Ngân hàng Nhà nước cấp room tín dụng lần đầu, yêu cầu các nhà băng tiếp tục giảm lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một số ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước phân bổ chỉ tiêu tín dụng lần đầu cho năm 2023, như MB, ACB, VPBank, VIB, MSB, TPBank, HDBank...

Ngân hàng Nhà nước vừa cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) lần đầu năm 2023 cho một số ngân hàng thương mại.

Trong đó, MSB được cấp là room tín dụng cao nhất, ở mức 13,5%. Đây cũng là ngân hàng duy nhất được cấp tăng trưởng tín dụng cao hơn so với năm 2022 (9,5%).

Các ngân hàng còn lại đều được phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng lần đầu thấp hơn năm ngoái.

Cụ thể, HDBank được cấp room là 11%, so với 15% của năm 2022. ACB là 9,8% so với năm 2022 là 10%; VIB là 9,5% so với năm 2022 là 10%; TPBank là 9,1% thấp hơn mức 11,5% của năm trước; VPBank và MB cùng được cấp room tín dụng ở mức 9%, thấp hơn đáng kể so với năm ngoái là 15%.

Một số ngân hàng thương mại đã được cấp room tín dụng lần đầu cho năm 2023

Một số ngân hàng thương mại đã được cấp room tín dụng lần đầu cho năm 2023

Trao đổi với báo chí, đại diện Ngân hàng Nhà nước xác nhận về cơ bản, các số liệu trên là đúng, một vài số liệu được làm tròn. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được cơ quan quản lý thông báo riêng cho từng ngân hàng và quản lý theo "thông tin nội bộ".

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng tổ chức tín dụng; trên cơ sở tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường và đề nghị của tổ chức tín dụng, qua đó sẽ rà soát để xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng phù hợp với định hướng điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị 01.

Việc thông báo và điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 đối với từng tổ chức tín dụng căn cứ một số tiêu chí cơ bản như kết quả chấm điểm xếp hạng tổ chức tín dụng đến thời điểm gần nhất theo quy định tại Thông tư số 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 (đã được sửa đổi, bổ sung), tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với 100 khách hàng có dư nợ lớn nhất, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý tổ chức tín dụng yếu kém (ngân hàng yếu kém, quỹ tín dụng nhân dân yếu kém), tình hình thực tiễn thị trường…

Bên cạnh việc cấp room tín dụng đợt 1 cho các ngân hàng, được biết, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất huy động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Theo đó, các ngân hàng TMCP tư nhân phấn đấu giảm lãi suất huy động khoảng 0,5%/năm trong khi khối ngân hàng thương mại nhà nước có mức giảm nhẹ hơn vì đã giảm khá sâu lãi suất huy động thời gian qua.

Giảm lãi suất cũng là một trong các tiêu chí để Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng vào những đợt tới. Hiện nay, lãi suất quá cao đang là một trong những rào cản lớn nhất của nền kinh tế. Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, nếu mặt bằng lãi suất cho vay không thể hạ nhiệt, nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào cảnh đình đốn, phá sản, dẫn tới suy thoái kinh tế, nợ xấu gia tăng...