Ngân hàng muốn đẩy tín dụng, doanh nghiệp làm sao hấp thụ vốn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù ngành ngân hàng nỗ lực giảm lãi suất, đẩy tín dụng, nhưng tín dụng vẫn không thể tăng do sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp rất yếu.

Sáng 25/7, Thời báo Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” , dưới dự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Điều hành chính sách tiền tệ chưa bao giờ khó khăn như hiện nay

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như 6 tháng đầu năm nay. Trong bối cảnh các nước đang tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, Việt Nam là nền kinh tế mở, không thể tránh những tác động. Trong khi trong nước, kinh tế khó khăn do đại dịch, sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn.

“Việc tăng lãi suất hay giảm lãi suất; cung tiền ít hay nhiều; làm sao hài hòa giữa doanh số tín dụng với chất lượng tín dụng; làm sao mở rộng tín dụng nhưng hạn chế nợ xấu; làm sao giải quyết vấn đề trong cả ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, trong đó có sự an toàn, lành mạnh của hệ thống tổ chức tín dụng... Đây là những bài toán rất khó của ngành ngân hàng” – ông Tú nói.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ quyết định sự an toàn, lành mạnh của nền tài chính quốc gia. Trong khi nếu như mở điều kiện thì tín dụng có thể tăng ồ ạt, nhưng sẽ để lại sự mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, câu chuyện nợ xấu có thể thấy ngay trong cuối năm nay.

Chưa kể làm sao vừa cung ứng tín dụng, vừa kiểm soát lạm phát. Rồi làm làm sao hạ lãi suất mà vẫn cân đối hài hòa với tỷ giá...

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Dù vậy, lãnh đạo NHNN cho biết thúc đẩy tín dụng vẫn là câu chuyện mà NHNN trăn trở, làm sao để hỗ trợ được doanh nghiệp. Tính đến ngày 30/6/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022.

“Bên cạnh các giải pháp như cung tiền, tạo thanh khoản, hạ lãi suất cho các ngân hàng thương mại.... để thúc đẩy cung ứng vốn, nhất là cho những lĩnh vực tạo động lực cho nền kinh tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa thì NHNN cũng có hàng loạt gói tín dụng như gói 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản, gói 15.000 tỷ đồng cho lâm, thủy sản... Cùng với đó là một loạt chương trình của các ngân hàng thương mại... nhưng vẫn không làm cho tín dụng tăng được” – Phó Thống đốc trăn trở.

Chia sẻ thêm những khó khăn của ngành ngân hàng, TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, cùng với tăng trưởng tín dụng thấp thì những khó khăn từ thị trường vốn và thị trường bất động sản dẫn đến chất lượng tài sản ngân hàng suy giảm, nợ xấu tăng.

“Thực tế, từ cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 1,92%, song đến cuối quý II/2023, nợ xấu của các TCTD gia tăng mạnh so với trước, nợ xấu tiềm ẩn đến nay 5,34%, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 3%, một số ngân hàng, công ty tài chính nợ xấu tăng đột biến trên 5%” – lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng thông tin.

Cần những giải pháp đồng bộ

Đại diện NHNN, các chuyên gia, ngân hàng, doanh nghiệp đều thống nhất thời gian qua, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn vốn cho doanh nghiệp (giảm lãi suất, cơ cấu nợ, đơn giản thủ tục cho vay...), tuy nhiên điểm mấu chốt vẫn là sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 100 nghìn doanh nghiệp, tức bình quân một tháng có 16,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do tiêu thụ trong nước và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh.

Do vậy, để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thì chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai. Bên cạnh những giải pháp dài hạn của Nhà nước, Chính phủ thì bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải nâng tầm trình độ về quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Khi các ngân hàng yên tâm về sức khoẻ của doanh nghiệp thì chắc chắn các ngân hàng sẽ không từ chối cho vay.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Thân cũng đặt vấn đề về những giải pháp trước mắt để tháo gỡ khó khăn về vốn của doanh nghiệp. “Chẳng hạn như điều kiện cho vay, liệu thời điểm này có hạ thấp được không? Nếu các ngân hàng không thể hạ tiêu chuẩn do vướng quy định pháp luật hay tiêu chuẩn Basel quốc tế, thì cần phải có giải pháp để tăng cường bảo lãnh tín chấp, nâng cao năng lực doanh nghiệp” – ông kiến nghị.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề xuất cần đẩy mạnh các chính sách tài khóa để hỗ trợ DN. TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng: Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thuế VAT, các chính sách giãn hoãn thuế, phí, tiền thuê đất, giảm 2% thuế GTGT; xem xét giảm tỷ lệ đóng BHXH cho DN; xem xét chuyển phần còn lại của Chương trình phục hồi (nhất là cấu phần hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ 2% lãi suất…) sang Quỹ phát triển nhà ở xã hội;

Chú trọng các động lực tăng trưởng (đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy các đầu tàu nền kinh tế; gỡ khó cho thị trường TPDN; đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế…

Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hạ lãi suất

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, lãnh đạo NHNN cho biết sẽ tiếp tục sử dụng linh hoạt hơn nữa các công cụ để điều tiết thị trường để cung ứng thanh khoản cho nền kinh tế. Mặt khác, sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối để đảm bảo tỷ giá; đồng thời đảm bảo điều hòa được lượng ngoại tệ cho nền kinh tế theo quan hệ thị trường.

"Đặc biệt, về chi phí vốn cho doanh nghiệp, NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất nếu có điều kiện. Trường hợp NHNN chưa có điều kiện thì các ngân hàng thương mại phải hạ lãi suất cho vay trên cơ sở giảm chi phí, những khoản chi có thể để hỗ trợ cho doanh nghiệp", Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.