Chuyên gia: Vẫn còn dư địa nới lỏng tiền tệ nhưng không để “đồng tiền dễ dãi”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các chuyên gia kinh tế cho rằng vẫn còn dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất từ nay đến cuối năm, song nguyên tắc nới lỏng sẽ là không để "đồng tiền dễ dãi".

Dư địa nới lỏng vẫn còn

Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã thống nhất cao chuyển chính sách tiền tệ từ trạng thái kiểm soát "chặt chẽ", "chắc chắn" ở những thời điểm trước đó sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng hơn".

Việc điều chỉnh này, theo các chuyên gia, là rất kịp thời, đáp ứng yêu cầu cấp thiết tháo gỡ khó khăn về thanh khoản, tín dụng, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh và phù hợp với thực tiễn.

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ vẫn còn, tuy nhiên liều lượng ra sao thì là vấn đề còn tranh cãi. TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng các chuyên gia kinh tế đều thống nhất là liều lượng nới lỏng như hiện nay là tương đối phù hợp.

Thủ tướng và Chính phủ đã ra thông điệp rõ ràng là cố gắng giảm mặt bằng giảm lãi suất từ 1,5-2% cho đến cuối năm. Thực tế thời gian qua ngân hàng cũng đã giảm lãi suất, theo đó, lãi suất huy động và cho vay đã giảm bình quân khoảng từ 1-1,2%.

Việc tiếp tục phấn đấu để giảm tiếp lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ, theo ông, là phù hợp và khả thi trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng giảm lãi suất chỉ là 1 vế của vấn đề, là điều kiện cần. Điều kiện đủ là khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp mới quan trọng. Điều này cần rất nhiều giải pháp đồng bộ.

Ông cho rằng nếu dồn dập quá vào chính sách tiền tệ chưa chắc đã đạt hiệu quả cao, mà cần phải đồng bộ các chính sách khác mới đảm bảo mức độ thẩm thấu chính sách tốt hơn. Trong đó, vị chuyên gia cho rằng chính sách tài khóa là rất quan trọng. Hiện nay, nguồn thu cho ngân sách nhà nước có vẻ đang giảm, nhưng chúng ta đang còn dư địa, kể cả nợ công lẫn nợ nước ngoài…

“Chúng ta lưu ý một điểm là giảm lãi suất cũng không thể giảm quá nhiều, quá mạnh, quá nhanh được. Quan sát trong 2 tháng vừa rồi, chúng tôi thấy một số dòng tiền đã bắt đầu dịch chuyển từ kênh tiết kiệm ngân hàng sang kênh chứng khoán.

Như vậy vẫn phải đảm bảo một mức độ hấp dẫn nhất định để dòng tiền tiếp tục vào ngân hàng, ngân hàng có thanh khoản cho vay, đảm bảo nguồn vốn đi vào kinh doanh thay vì chỉ đầu tư tài chính hay tồn kho bất động sản như thời gian vừa qua.

Tôi nghĩ rằng phải đồng bộ chính sách thì mới đảm bảo mức độ thẩm thấu, việc giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ mới có hiệu quả” – TS Cấn Văn Lực nói.

Chính sách tiền tệ đang chuyển từ "chặt chẽ", "chắc chắn" sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng hơn"

Chính sách tiền tệ đang chuyển từ "chặt chẽ", "chắc chắn" sang trạng thái "linh hoạt, nới lỏng hơn"

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành cũng nhận định, chúng ta vẫn còn dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ lãi suất, cụ thể lãi suất có thể giảm từ 1-1,5 điểm phần trăm từ nay đến cuối năm. Song theo ông, nguyên tắc nới lỏng sẽ là không để "đồng tiền dễ dãi", bởi có thể sẽ có 3 rủi ro khi chúng ta nới lỏng chính sách tiền tệ.

Do đó, chúng ta nới lỏng tiền tệ song vẫn phải kiểm soát lạm phát mục tiêu; phải “dè chừng” tỷ giá (thực tế tỷ giá có thời điểm đã tăng nóng cách đây 1-2 tuần); và nới lỏng tiền tệ song trong bất cứ tình huống nào cũng phải bảo đảm an toàn hệ thống.

Chính sách phải đồng bộ, nhịp nhàng

TS Võ Trí Thành cũng cho rằng giảm lãi suất không phải liều thuốc vạn năng mặc dù rất quan trọng, mà cần kết hợp với nhiều chính sách khác như kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người lao động, kích cầu du lịch, đầu tư công, giải quyết khó khăn cho xuất khẩu; tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn (có gói hỗ trợ tín dụng mà không ảnh hưởng lớn đến tổng cung tiền, hướng đến các lĩnh vực như nhà ở xã hội, lâm thủy sản…).

Với góc nhìn doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, điều quan trọng nhất là phải có sự đồng bộ về mặt chính sách.

"Với doanh nghiệp, đồng bộ nhóm chính sách rất quan trọng. Chẳng hạn như chúng ta rất cố gắng để giảm lãi suất, chi phí vay nhưng ở đâu đấy vẫn có những chính sách làm tăng chi phí rất lớn, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn của doanh nghiệp. Hiện nay doanh nghiệp rất nhiều ngành hàng nói về vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng chậm, trực tiếp ảnh hưởng tới doanh nghiệp rất lớn về dòng vốn.

Quốc hội vừa có Nghị quyết giảm 2% thuế VAT, đây là một nỗ lực rất lớn nhưng hiện nay với nhiều ngành hàng, một số cơ quan quản lý nhà nước đang rục rịch tăng phí, thu lại phí. Như vậy chúng ta phải phát huy sự nhịp nhàng của chính sách. Tôi cho rằng, cần quản trị tốt lĩnh vực này thì mới điều phối tốt, và cộng hưởng chính sách là điều rất quan trọng trong thời gian tới", ông Tuấn nói.

Tán thành ý kiến này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, nếu không đồng bộ, có thể chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ bị các chính sách khác vô hiệu hóa, triệt tiêu. Doanh nghiệp được giảm vài đồng lãi suất song lại tăng mấy đồng phí.