- Cho vay mua, xây, sửa nhà để ở: Ngân hàng kiến nghị không yêu cầu khách hàng phải có phương án sử dụng vốn
- Nợ xấu cho vay đóng tàu lên đến 67,26%, Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì?
- Ngân hàng không được cho vay chứng minh tài chính du học, góp vốn doanh nghiệp, đặt cọc bất động sản
Cho vay chứng minh tài chính là nhu cầu chính đáng
Tại dự thảo sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bổ sung một số hoạt động mà tổ chức tín dụng không được cho vay.
Thứ nhất là các khoản vay để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay trong các quan hệ giao dịch dân sự với bên thứ ba.
Thứ hai là các khoản vay góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh mà vốn góp hình thành nên vốn điều lệ của bên nhận vốn góp; góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh không hình thành nên vốn điều lệ của bên nhận vốn góp; nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại công ty khác; thanh toán tiền đặt cọc để thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện để thực hiện theo quy định của pháp luật; bù đắp vốn tự có/hoàn tiền vay để mua bất động sản/hàng hóa.
Liên quan đến các đề xuất quy định mới này, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã kiến nghị NHNN tiếp tục cho vay hoặc có các quy định giới hạn, kiểm soát, thay vì cấm.
Cụ thể, theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), nhu cầu vay vốn để chứng minh khả năng tài chính là nhu cầu vốn hợp pháp và cần thiết trong đời sống.
Thực tế thị trường có nhiều trường hợp khách hàng cần chứng minh khả năng tài chính thông qua việc khách hàng có một khoản tiền nhất định tại TCTD thay vì chứng minh thông qua việc khách hàng đang nắm giữ bất động sản, động sản (như ô tô….), nên việc hạn chế không cho vay chứng minh khả năng tài chính của khách hàng nói chung sẽ là không phù hợp với nhu cầu thực tế hợp lý, hợp pháp của khách hàng.
“Do đó, đề nghị NHNN xem xét không bổ sung nội dung này hoặc giới hạn lại yêu cầu đối với quy định này để đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế” – VNBA kiến nghị.
Ngân hàng Nhà nước muốn "chặn" các khoản vay chứng minh tài chính, góp vốn, hợp tác đầu tư |
Nên kiểm soát thay vì cấm
Đối với các khoản vay góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh, VNBA cho rằng việc góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh; nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại công ty khác; bù đắp vốn tự có, hoàn tiền vay để mua bất động sản,hàng hóa là các nhu cầu chính đáng và cần thiết của cá nhân, doanh nghiệp trong nền kinh tế.
“Hiện nay pháp luật hiện hành hoàn toàn không có quy định nào về việc cấm cho vay mua bất động sản, hàng hóa, như vậy trong trường hợp khách hàng đã vay vốn hợp pháp tại một TCTD để thanh toán tiền mua bất động sản và sau đó có nhu cầu hỗ trợ tài chính tại một TCTD khác để hoàn trả một phần, toàn bộ tiền vay cho TCTD ban đầu thì hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thực tế thị trường” – VNBA cho biết.
Hơn nữa, tại điều khoản sửa đổi khoản 6 Điều 2 của dự thảo này thì NHNN cũng cho phép TCTD cho vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định. Do vậy, VNBA đề nghị Ban soạn thảo quy định các giới hạn hoặc các điều kiện để các TCTD phải được thực hiện khi triển khai các nghiệp vụ trên nhằm kiểm soát rủi ro thay vì quy định cấm không cho vay.
Về quy định không được cho vay để thanh toán tiền đặt cọc, VNBA cho rằng, theo dự thảo TCTD không cho vay đặt cọc cho tất cả các giao dịch… chứ không chỉ các giao dịch liên quan đến đặt cọc mua bán bất động sản hình thành trong tương lai như Ban soạn thảo đã giải thích tại phần thuyết minh.
Hiệp hội cho rằng giao dịch đặt cọc là một trong những biện pháp bảo đảm dân sự được Bộ luật Dân sự quy định. Vì vậy, để phù hợp với quy định của pháp luật và cũng như giải thích tại phần thuyết minh, đề nghị quy định rõ theo hướng đối với những dự án có đủ điều kiện pháp lý để ký hợp đồng chuyển nhượng thì các TCTD được tài trợ cho vay theo hợp đồng đặt cọc.
Đối với quy định không được cho vay để “bù đắp vốn tự có/hoàn tiền vay để mua bất động sản,hàng hóa”, VNBA cho rằng hoạt động kinh doanh mua hàng hóa của các cá nhân, pháp nhân thường hay phát sinh đặt cọc. Đây là nhu cầu thực tế trên cơ sở hợp đồng,thỏa thuận của bên bán và bên mua.
Thực tế các giao dịch mua bất động sản hoặc hàng hóa trong thời gian hoàn thiện thủ tục và giải ngân tại TCTD, các cá nhân không đủ tiền phải huy động tạm thời để hoàn tất thanh toán cho người bán. Do đó, các TCTD cho vay bù đắp đối với nhu cầu này là thiết thực và khách hàng có đủ cơ sở chứng minh nguồn vốn huy động tạm thời trong thời gian chờ TCTD hoàn thiện hồ sơ giải ngân cho vay.
Do đó, Hiệp hội đề nghị NHNN nên quy định các điều kiện TCTD phải áp dụng các biện pháp để quản lý và kiểm soát được việc sử dụng số tiền được giải ngân và nêu rõ các biện pháp kiểm soát này trong quy định nội bộ về cho vay thay vì cấm không được cho vay.