Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có báo cáo góp ý của các tổ chức tín dụng về việc sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Trước đó, một trong những nội dung được dư luận quan tâm thời gian qua khi sửa đổi Thông tư 39 là việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các khách hàng vay phải có phương án, dự án thực hiện hoạt động kinh doanh hoặc phương án, dự án phục vụ nhu cầu đời sống để mua nhà ở; xây dựng, cải tạo nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở.
Trước đây, các khoản vay nêu trên thường được các ngân hàng tính vào tín dụng phục vụ đời sống, khách hàng sẽ không phải có phương án sử dụng vốn khi vay.
Các ngân hàng đề nghị giữ nguyên quy định về vay mua, xây, sửa nhà để ở như Thông tư 39 |
Lý giải đề xuất mới này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo phản ánh của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, thời gian qua một số tổ chức tín dụng cho vay khách hàng cá nhân với mục đích tiêu dùng, sinh hoạt liên quan đến bất động sản với số tiền lớn, tiềm ẩn rủi ro nếu xảy ra biến động trên thị trường bất động sản.
Do đó, để kiểm soát rủi ro đối với khoản cho vay phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến bất động sản, dự thảo Thông tư quy định chặt chẽ hơn về quy trình, điều kiện, hồ sơ, thủ tục, phương án sử dụng vốn vay, kế hoạch trả nợ... đối với khoản cho vay này.
Về vấn đề này, trong văn bản góp ý, các tổ chức tín dụng cho rằng, đối với “phương án dự án phục vụ nhu cầu đời sống, dự án mua nhà ở, xây dựng, cải tạo nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở” là xuất phát từ nhu cầu đời sống của khách hàng. Khách hàng thường sử dụng nguồn trả nợ khác (không liên quan đến việc kinh doanh bất động sản mua) như tiền lương hoặc nguồn tiền từ hoạt động kinh doanh, không bị ảnh hưởng từ việc tăng giá bất động sản. Do đó việc yêu cầu khách hàng cung cấp phương án, dự án là không khả thi – hạn chế quyền của chính Khách hàng có nhu cầu vay.
Vì vậy, các tổ chức tín dụng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét không sửa đổi điểm c, khoản 6 điều 2 (giữ nguyên quy định tại Thông tư 39).
Trường hợp giữ nguyên, đề nghị quy định rõ đối với trường hợp cho vay phục vụ nhu cầu đời sống khác ngoài các trường hợp theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 1 của dự thảo sửa đổi (như mua sắm trang thiết bị, mua xe, chữa bệnh, học tập… ) không yêu cầu khách hàng phải cung cấp phương án, dự án chứng minh mục đích sử dụng vốn, khách hàng chỉ cần kê khai và cam kết chịu trách nhiệm về việc kê khai nhu cầu sử dụng vốn nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng.