Ngân hàng cắt giảm mạnh chi phí lương thưởng để tăng lợi nhuận

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo thống kê, trong quý 2 năm 2020, lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng vẫn tăng so với quý 1 và cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, một trong những yếu tố đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng này đến từ việc cắt giảm chi phí hoạt động.

Ngân hàng cắt giảm mạnh chi phí

Theo một báo cáo mới công bố của FiinGroup, trong quý 2-2020, lợi nhuận sau thuế của 19 ngân hàng niêm yết tăng 16,2% so với quý 1-2020 và tăng 22,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng này là trên nền mức lợi nhuận thấp của quý 1-2020 và quý 2-2019. Tính trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng lợi nhuận sau thuế tăng 12,8% so với cùng kỳ, giảm so với mức tăng 53,5% trong 6 tháng đầu năm 2018 và 18,5% trong 6 tháng đầu năm 2019.

Đáng chú ý, tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong quý 2-2020 có sự đóng góp đáng kể từ cắt giảm chi phí hoạt động. Tỷ lệ CIR (tỷ lệ chi phí trên thu nhập) trong quý 2-2020 giảm xuống 36,7%, mức thấp nhất kể từ quý 1-2017 (thời điểm cả 19 ngân hàng có đủ số liệu).

Tổng thu nhập hoạt động giảm 4,5% trong khi chi phí hoạt động giảm 12%, tiếp diễn xu hướng từ quý 1 với tổng thu nhập hoạt động giảm 5,9% trong khi chi phí hoạt động giảm 14,2%. Điều này khác với các năm trước khi chi phí hoạt động có xu hướng giảm trong quý 1 rồi tăng trở lại trong quý 2.

Đáng chú ý, tính trên 17 ngân hàng (trừ Ngân hàng Bản Việt và NCB), chi phí cho nhân viên, khoản chiếm lớn nhất trong chi phí hoạt động, giảm 8% trong quý 2-2020 và 13,6% trong quý 1-2020.

Khoản chi lớn tiếp theo là chi cho hoạt động quản lý công vụ giảm 33,9% trong quý 2-2020 và 12,6% trong quý 1-2020, trong khi chi về tài sản tăng 3,3% trong quý 2-2020 sau khi giảm 23,7% trong quý 1-2020.

Cùng với đó, trong quý 2-2020, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của 19 ngân hàng niêm yết giảm 19,4% so với quý 1-2020, góp phần vào việc tăng lợi nhuận.

Chi phí cho nhân viên giảm đã góp phần tăng lợi nhuận ngân hàng

Chi phí cho nhân viên giảm đã góp phần tăng lợi nhuận ngân hàng

Tuy nhiên, do Thông tư 01, mức tăng này chưa phản ánh đầy đủ tác động của Covid-19 lên lợi nhuận của các ngân hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 8/6/2020, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 249 nghìn khách hàng với dư nợ 172.365 tỷ đồng, và chỉ phải trích lập dự phòng theo nhóm nợ đã cơ cấu lại.

Thu nhập nhân viên ngân hàng biến động ra sao

Theo Báo cáo tài chính của các ngân hàng, có thể thấy chi phí cho nhân viên đã được cắt giảm đáng kể. Chẳng hạn tại Vietcombank – ngân hàng “quán quân” về chi phí cho nhân viên thì dù khoản chi này trong 6 tháng đầu năm tăng nhẹ so với năm ngoái (gần 4.200 tỷ đồng so với 4.179 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái), tuy nhiên mức chi bình quân cho mỗi nhân viên hàng tháng lại giảm.

Theo đó, thu nhập bình quân mỗi tháng của nhân viên Vietcombank trong quý 2 là 34,13 triệu đồng/người/tháng, nhưng sang quý II đã giảm xuống còn 32,92 triệu đồng/người/tháng. Nguyên nhân thu nhập nhân viên ngân hàng này giảm chủ yếu do đợt tuyển dụng lớn hồi tháng 4 khiến lượng nhân viên Vietcombank tăng thêm gần 800 người so với quý 1.

Tại Vietinbank chi phí cho nhân viên nửa đầu năm nay là 3.896 tỷ đồng, giảm so với mức gần 4.270 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm ngoái. Thu nhập bình quân quý 2 giảm nhẹ so với quý 1, xuống còn 24,31 triệu đồng/người/tháng.

Mức giảm mạnh phải kể đến TPBank, với mức giảm hơn 10 triệu đồng/tháng. Cụ thể, mức thu nhập bình quân tháng của nhân viên TPBank trong 3 tháng đầu năm là 31,5 triệu đồng/người/tháng, nhưng sang quý 2 chỉ còn 20,9 triệu đồng/người/tháng…

Dự báo từ nay đến cuối năm, thu nhập nhân viên ngân hàng sẽ còn tiếp tục bị cắt giảm khi Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo yêu cầu các đơn vị trực thuộc và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục cắt giảm chi phí lương, thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt khó sau dịch Covid-19.