Ngân hàng cạn room, tín dụng tháng 7 - 8 'dậm chân tại chỗ'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tính đến ngày 15/8/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62% so với đầu năm; trong khi đó đến hết tháng 6, tín dụng đã tăng 9,35%.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 15/8/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62% so với đầu năm (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%).

Như vậy, có thể thấy tín dụng đã có sự chững lại trong gần 2 tháng trở lại đây. Trước đó, đến hết tháng 6, tín dụng đã đạt mức tăng trưởng kỷ lục 10 năm, lên tới 9,35%; đến tháng 7, tăng trưởng quay đầu chỉ còn 9,27%.

Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều ngân hàng lớn đã cạn room tín dụng ngay trong 6 tháng đầu năm, trong khi đến gần hết tháng 8, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa giao thêm hạn mức tăng trưởng mới. Để có thêm dư địa cho vay trong bối cảnh nhu cầu vốn của doanh nghiệp ngày càng lớn, nhiều ngân hàng đã phải xoay sở, bán bớt trái phiếu doanh nghiệp đang nắm giữ.

Nhiều ngân hàng đã hết room cho vay ngay trong 6 tháng đầu năm

Nhiều ngân hàng đã hết room cho vay ngay trong 6 tháng đầu năm

Theo dự báo của nhiều chuyên gia các công ty chứng khoán, khả năng trong tháng 9 này, Ngân hàng Nhà nước sẽ có đợt cấp room tín dụng cuối cùng của năm. Các ngân hàng dự báo sẽ được cấp hạn mức lớn hơn mặt bằng chung là Vietcombank, MB (là các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém); ngoài ra là một số ngân hàng có hệ số an toàn vốn cao như VPBank, VietinBank, BIDV, ACB, SHB, LPB, ACB...

Việc nới room tín dụng các ngân hàng dự báo sẽ không quá mạnh, bởi cơ quan điều hành chính sách tiền tệ vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 14% để kiểm soát lạm phát.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, trong 8 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tín dụng an toàn, hiệu quả hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.

Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phù hợp với đóng góp và tăng trưởng của các ngành kinh tế trong GDP và các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro;

Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn TCTD, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian tới, những khó khăn đối với việc điều hành chính sách tiền tệ đã hiện rõ.

Đơn cử như tác động vòng hai của lạm phát đã thấy rõ qua chỉ số giá tiêu dùng tháng 7; tâm lý kỳ vọng lạm phát ở Việt Nam cũng khá cao so với các nước trong khu vực.

Hay với vấn đề lãi suất, nếu giảm lãi suất hoặc giữ mặt bằng lãi suất ổn định trong khi lãi suất thế giới cao thì nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch về nơi lãi suất cao, khi đó sẽ áp lực đến tỷ giá, đồng VND sẽ mất giá...

“Có thể nói, Ngân hàng Nhà nước” đang chịu áp lực “ba bề, bốn bên”, người dân gửi tiền mong lãi suất đầu vào cao, doanh nghiệp mong giảm lãi suất đầu ra, doanh nghiệp bất động sản đang gặp vướng mắc về vốn thì mong tháo gỡ tín dụng còn các lĩnh vực sản xuất cũng mong dòng vốn chảy vào sản xuất, kinh doanh” - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.