Nga xây dựng “Kho tên lửa cơ động” khổng lồ dưới đáy biển

ANTĐ - Với chiến lược ưu tiên phát triển và thực lực của Cục thiết kế tàu ngầm, hải quân Liên Xô đã từng cho ra đời hàng loạt những kỷ lục như: Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đầu tiên, tàu ngầm lặn sâu nhất, tàu ngầm lớn nhất thế giới… Kế tục truyền thống của Liên Xô, người Nga có thể sẽ lập nên một kỷ lục mới, đó là: Tàu ngầm mang nhiều tên lửa nhất.

Cục thiết kế Trung ương trang bị hải quân Rubin - Thành phố St Petersburg tuyên bố, đã bắt tay vào nghiên cứu, thiết kế tàu ngầm động cơ hạt nhân và động cơ thông thường thế hệ thứ 5, theo yêu cầu của Tư lệnh hải quân Nga, tàu ngầm thế hệ thứ 5 sẽ đưa vào sản xuất hàng loạt sau năm 2030.

Nga xây dựng “Kho tên lửa cơ động” khổng lồ dưới đáy biển ảnh 1

Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Ohio của Mỹ có thể mang tới 24 quả tên lửa đạn đạo “Trident” D5, mỗi quả có 12 đầu đạn hoặc trang bị 154 quả tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk.

Về tư duy thiết kế tàu ngầm thế hệ thứ 5, trong giới quân sự Nga xuất hiện 2 luồng tư tưởng đối lập nhau, 1 bên là “Thuyết tiến hóa” còn 1 bên là “Thuyết cách mạng”.

“Thuyết cách mạng” thì cho rằng, mẫu thử nghiệm tàu ngầm mới phải có sự liên quan mật thiết đến khái niệm tác chiến xoay quanh một mạng lưới trung tâm, tất cả các tàu ngầm thế hệ mới đều tham dự vào phương thức tác chiến lập thể trong mạng lưới này.

Cơ sở của lí luận này là từ bỏ các loại tàu ngầm cỡ lớn, chế tạo hàng loạt các loại tàu ngầm hạng trung (có lượng giãn nước từ 1500 tấn trở xuống) và cỡ nhỏ, trang bị động cơ hạt nhân phụ trợ. Tuy các tàu ngầm này có phạm vi tác chiến, tầm tấn công, khả năng hành trình liên tục kém, không có khả năng đơn độc tiến hành các nhiệm vụ lớn nhưng nếu tập hợp nhiều tàu ngầm cỡ nhỏ trong một nhóm chiến đấu, hiệu quả tác chiến của chúng sẽ vượt qua một tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo hạng nặng, mà những thiệt hại thì rất nhỏ lẻ, không ảnh hưởng nhiều đến khả năng tác chiến của toàn bộ lực lượng.

Tuy vậy, các kỹ sự thiết kế Nga thiên về thuyết thứ nhất và khẳng định, trong vòng vài chục năm tới, “Thuyết tiến hóa” vẫn là xu hướng chủ đạo trong thiết kế, chế tạo tàu ngầm.

Nga xây dựng “Kho tên lửa cơ động” khổng lồ dưới đáy biển ảnh 2

Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo thế hệ thứ 4  lớp Akula (971) của Nga

Những người theo “Thuyết tiến hóa” yêu cầu phương án phát triển phải đi theo hướng từng bước hoàn thiện công nghệ tàu ngầm hiện có. Chi phí đóng tàu ngầm hiện nay cực kỳ đắt đỏ vì thế các nhà thiết kế phải giải được bài toán hạ thấp giá thành.

Phương án cơ bản được đề ra để thực hiện điều này là nâng cao tính linh hoạt trong sử dụng của tàu ngầm thế hệ thứ 5, ví dụ như hệ thống vũ khí trang bị theo kiểu Modul, có thể thay đổi khi cần thiết hoặc phát triển tàu ngầm không người lái, thậm chí là tàu ngầm tấn công không người lái.

Để giảm chiều dài và tăng đường kính thân tàu mà vẫn đảm bảo bố trí hợp lý các thiết bị, có thể tàu sẽ được thiết kế kiểu 2 thân với hệ thống động lực phản thủy lực, các hệ thống thông tin và chỉ thị mục tiêu áp dụng những thành tựu mới nhất của lí thuyết vật lý, nâng cao cực hạn trình độ tự động hóa hệ thống chỉ huy và điều khiển vũ khí của tàu.

Nga xây dựng “Kho tên lửa cơ động” khổng lồ dưới đáy biển ảnh 3

Tàu ngầm hạt nhân tên lửa Trident USS Nevada “SSBN-733” (dưới nước) và USS “Tennessee” SSBN-734 (trên ụ tàu) thuộc lớp Ohio

Theo người đại diện của Bộ tư lệnh hải quân Nga, tàu ngầm thế hệ thứ 5 phải có tính năng thông dụng nhất, tức là phải phóng được cả tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Đặc trưng chủ yếu của nó là khả năng tàng hình siêu việt, độ ồn cực thấp, hệ thống chỉ huy và điều khiển vũ khí tự động hóa ở trình độ cao, lò phản ứng an toàn và trang bị số lượng cực lớn các vũ khí tấn công tầm xa, trong đó tên lửa sẽ là nét chủ đạo.

Theo tin cho biết, các hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng đa dụng thế hệ mới lắp đặt trên các tàu ngầm thế hệ thứ 5 bao gồm 20 ống phóng, có thể phóng được mọi loại tên lửa, bao gồm tên lửa chống hạm và tên lửa hành trình siêu âm.

Mỗi 1 ống phóng loại này có cơ số 4 quả tên lửa chiến thuật, chưa tính kho đạn dự trữ, hệ thống ống phóng này đã có tổng cộng 80 quả tên lửa. Chính vì vậy tàu ngầm thế hệ thứ 5 của Nga được mệnh danh là “Kho tên lửa cơ động” dưới đáy biển.

Về hệ thống ngư lôi trên tàu, hiện các chuyên gia Nga vẫn chưa ngã ngũ giữa 3 phương án, một là giữ nguyên kích cỡ ống phóng tiêu chuẩn 533mm như hiện nay, hai là tăng cường kích cỡ các ống phóng lớn hơn và giảm số lượng đi, ba là thay thế bằng các ống phóng loại nhỏ hơn để tăng thêm số lượng.

Nga xây dựng “Kho tên lửa cơ động” khổng lồ dưới đáy biển ảnh 4

Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo thế hệ thứ 4 Yury Dolgoruky lớp Borey (955)

Quan điểm thứ hai cho rằng, tàu ngầm thế hệ thứ 5 sẽ được trang bị các loại ngư lôi hạng nặng có động cơ đẩy thì ống phóng 533mm không đảm bảo khả năng phóng đi, vì vậy phải sử dụng các hệ thống phóng lớn hơn. Ví dụ như loại ngư lôi 650mm có bộ chiến đấu nặng hơn, uy lực sát thương mạnh hơn và hệ thống tự dẫn tiên tiến hơn.

Thế nhưng, nó có trọng lượng khoảng 5 tấn, dài 11m, kích thước lớn hơn rất nhiều so với ngư lôi loại cũ, dẫn đến phải mở rộng diện tích khoang chứa ngư lôi và các thiết bị bốc dỡ, kết cấu các hệ thống phức tạp hơn nhiều và làm giảm lượng vũ khí mang theo và số lượng ống phóng.

Quan điểm thứ ba thiên về tăng số lượng ống phóng và tên lửa bảo đảm tiêu chí “hỏa lực tập trung”, tấn công ồ ạt nhiều mục tiêu khác nhau. Chính vì vậy, chỉ nên lắp đặt các ống phóng 324mm hoặc nhỏ hơn 1 chút là 254mm hoặc thậm chí là 127mm. Đây là quan điểm thuộc trường phái “cách mạng”, với sự thắng thế của “Thuyết tiến hóa” thì có lẽ phương án này sẽ bị loại bỏ.

Quan điểm giữ nguyên cỡ ống phóng 533mm thì cho rằng, loại ống phóng này phù hợp với mọi loại ngư lôi và có thể phóng được tất cả các loại tên lửa hành trình và tên lửa chống hạm hiện nay của Nga. Nếu nâng kích cỡ ống phóng thì phải chế tạo riêng các loại tên lửa dùng cho tàu ngầm này, như vậy sẽ rất lãng phí.

Nga xây dựng “Kho tên lửa cơ động” khổng lồ dưới đáy biển ảnh 5

Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Borey thử nghiệm tên lửa đạn đạo Bulava

Hơn nữa, trong tác chiến tương lai các loại ngư lôi tầm xa hạng nặng không phải là loại vũ khí mang tính chất quyết định trên chiến trường, mà chính là các tên lửa đạn đạo, tên lửa chống hạm và đối đất tốc độ siêu âm nên kích cỡ ống phóng ngư lôi phải phục vụ cho nhiệm vụ phóng tên lửa là chủ yếu, đặc biệt là các loại tên lửa chống hạm cực kỳ phong phú của Nga.