Nga và Ả-Rập Saudi đối mặt hậu quả nếu không giảm sản lượng dầu mỏ

ANTD.VN - Nga và Ả-Rập Saudi nhiều khả năng sẽ nỗ lực kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu nhằm tạo điều kiện ổn định cho kinh tế và chính trị tại 2 nước này.

 

Các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, bao gồm cả nhiều quốc gia không thuộc OPEC, đã đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng vào hồi tháng 11-2016 với hy vọng cứu giá dầu khỏi sự sụt giảm nghiêm trọng trong suốt 2 năm qua.

Thỏa thuận này chỉ kéo dài trong 6 tháng và sắp hết hạn nên nhiều nhà đầu tư đang phán đoán, liệu các nước dẫn đầu thị trường như Nga và Ả-Rập Saudi có tiếp tục đạt được thỏa thuận gia hạn hay không.

Bộ trưởng Dầu mỏ Khalid al-Falih đã tỏ ý chấp nhận kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng sau khi cho biết vào hôm 21-4 rằng, nước này "luôn muốn tìm cách đạt được mục đích đã đề ra".

Với những khó khăn kinh tế và áp lực chính trị mà Nga và Ả-Rập Saudi đang phải đối mặt, theo chuyên gia năng lượng, Helima Croft, nhiều khả năng thỏa thuận cắt giảm sản lượng sẽ tiếp tục được kéo dài thêm.

Tổng thống Putin từng là nhân tố đặc biệt giúp đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ vào hồi tháng 11-2016

Cả 2 nước đều có nền kinh tế bị ảnh hưởng đáng kể bởi việc giá dầu giảm trong thời gian gần đây. Kinh tế Nga thậm chí còn thụt lùi trong 2 năm qua, trong khi, Ả-Rập Saudi được dự đoán là chỉ có tăng trưởng 0,4% trong năm 2017.

Theo ông Croft, đối với Nga, việc giữ cho nền kinh tế ở mức nhìn thấy một tương lai tươi sáng là điều vô cùng quan trọng, do điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống mới vào tháng 3-2018.

Trong khi đó, Ả-Rập Saudi cũng có nhiều lí do để tiếp tục đồng ý cắt giảm sản lượng mà một trong số đó là nước này cần ngân sách đề duy trì chiến dịch quân sự tại Yemen và nợ công tăng mạnh trong vòng 2 năm qua.