Nga trì hoãn ngày ra mắt nguyên mẫu tên lửa hạt nhân Sarmat

ANTĐ - Việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới của Nga đang đi vào bế tắc và có thể làm chậm tiến độ hoàn thành nguyên mẫu đầu tiên khoảng một vài tháng, một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga nói với hãng tin TASS vào hôm 26-6.

Tên lửa Sarmat sẽ trở thành tên lửa đạn đạo liên lục địa lớn nhất thế giới khi nó được biên chế vào trong quân đội. Người đứng đầu lực lượng tên lửa chiến lược Nga, tướng Sergei Karakayev, tuyên bố vào tháng 2 rằng, quá trình phát triển tên lửa này đang được đẩy nhanh và có thể triển khai ngay vào năm 2018. Đây được cho là một động thái phản ứng của Nga giữa những căng thẳng với phương Tây từ năm ngoái.

Tuy nhiên, tiến độ đề ra dường như đã bị ảnh hưởng do nguyên mẫu được cho là sẽ ra mắt vào tháng này sẽ buộc phải lùi lại vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10-2015.

Nga trì hoãn ngày ra mắt nguyên mẫu tên lửa hạt nhân Sarmat ảnh 1Tên lửa Sarmat có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân nặng tới 10 tấn 

Tại nhà máy sản xuất Krasnoyarsk, nơi chế tạo các tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga, các công việc chế tạo Sarmat mới chỉ hoàn thành được 60%, theo hãng tin TASS.

Nguồn tin từ nội bộ Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Nhà máy đang hoàn thành công việc của mình. Tất cả giờ phụ thuộc vào việc nhà thầu có kịp bàn giao đủ các bộ phận liên quan hay không. Hạn cuối cùng không thể vượt quá cuối tháng 10”.

Kích cỡ của Sarmat sẽ cho phép nó mang theo được 10 tấn đầu đạn hạt nhân và thiết bị đánh lừa các hệ thống phòng thủ tên lửa, đang được triển khai ở nhiều nước khác nhau.

Sarmat sẽ có khả năng thực hiện đường bay đặc biệt qua Nam Cực, bình thường, các tên lửa Nga nếu muốn tấn công Mỹ, như SS-18 Satan từ thời Xô-viết, sẽ bay qua bắc Cực do nó có khoảng cách ngắn và trực tiếp hơn.