Nga liên tiếp tung 3 tàu tên lửa siêu mạnh sang Syria đánh IS

ANTD.VN - Trong vòng 3 ngày, Hạm đội Biển Đen đã liên tiếp điều động 3 tàu tên lửa sang Địa Trung Hải, gia nhập biên đội tàu Nga đang tiến hành cuộc chiến chống khủng bố ở Syria. 

Ngày 6/10, tàu tên lửa Mirazh của Hạm đội Biển Đen đã rời cảng quân cảng Sevastopol - nơi đặt trụ sở của Hạm đội này để lên đường ra Địa Trung Hải, gia nhập nhóm tàu mặt nước Nga đang tham gia cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.

Mirazh là tàu cao tốc tên lửa thứ 3 của Hạm đội Biển Đen được điều động sang Syria tham gia cuộc chiến chống khủng bố chỉ trong vòng 3 ngày. Trước đó, vào ngày 4/10, hai tàu tên lửa lớp Buyan-M (Project 21631) cũng đã nhận nhiệm vụ tương tự và lên đường ra Địa Trung Hải.

Tính năng của tàu tên lửa lớp Nanuchka mang tên lửa Malakhit

Được biết, Mirazh là tàu tên lửa cỡ nhỏ thuộc lớp Ovod, Project 1234 (NATO định danh lớp Nanuchka) mang số hiệu 617, biên chế cho hải quân Liên Xô năm 1986, hiện đang phục vụ trong Hạm đội Biển Đen. Nó có chiều dài 59,3m, rộng 12,6m, mớn nước 2,4 m, lượng giãn nước 560 tấn, thủy thủ đoàn 60 người.

Với 3 động cơ Diesels với tổng công suất 22,371 kW, tàu có khả năng chạy với tốc độ 32 hải lý/h (tương đương 59 km/h), phạm vi hành trình 2,500 hải lý (tương đương 4630 km) với tốc độ tuần hành 12 hải lý/h (22 km/h); hoặc 900 hải lý (1667 km) với tốc độ 30 hải lý/h (56 km/h).

Tàu tên lửa lớp Ovod, Project 1234 của Nga phóng tên lửa P-120 Malakhit

Tuy có lượng giãn nước rất nhỏ nhưng các tàu tên lửa lớp này được trang bị rất mạnh với vũ khí chủ lực là 6 quả tên lửa chống hạm tầm trung (2 cụm 3 ống phóng) tên lửa P-120 Malakhit (tiếng Nga: П-120 “Малахит”; tên mã GRAU: 4K85; tên hiệu NATO: SSM SS-N-9 Siren).

Loại tên lửa này được ra mắt vào năm 1972, là sản phẩm của viện thiết kế CKBM Design Bureau (hiện nay là NPO Mashinostroenia), dựa trên cơ sở của loại tên lửa đối hạm đời trước P-70 Ametist, với kích thước lớn hơn để có thể đạt được tầm bắn xa hơn.

P-120 có cả phiên bản trên tàu nổi và tàu ngầm. Khi phóng từ tàu ngầm, tên lửa đạt tầm bắn 70km với đầu đạn thường nặng 840kg và 110km với đầu hạt nhân 200 kiloton. Khi phóng từ tàu mặt nước, cự ly bắn lần lượt là 120km (đầu đạn thường 500kg) và 150km với đầu đạn hạt nhân.

Hiện loại tên lửa này vẫn đang còn trang bị trên một số tàu tên lửa lớp Nanuchka, còn một số tàu khác đã thay thế bằng tên lửa thế hệ sau P-270 Moskit (tên mã NATO là SS-N-22 Sunburn).

Tàu hộ tống lớp Buyan-M phóng tên lửa hành trình Kalibr 3M-14T

Ngoài ra, tàu tên lửa lớp này còn được trang bị hệ thống phóng 20 quả tên lửa phòng không SAM 4K33 “OSA-M” (NATO định danh là SA-N-4 “Gecko”), pháo 57mm AK-257 hoặc 76mm AK-176 và hệ thống pháo bắn nhanh 30mm AK-630.

Tính năng của tàu tên lửa lớp Buan-M mang tên lửa Kalibr

Ngày 4 tháng 10, biên đội tàu mặt nước ở Địa Trung Hải của Hải quân Nga đã bổ sung thêm hai tàu chiến lớp Buyan-M của Hạm đội Biển Đen là Zelyonyi Dol (số hiệu 107) và Serpukhov (108) (thuộc dự án 21.631), được trang bị tên lửa hành trình thế hệ mới Kalibr.

Buyan-M thuộc loại tàu hộ tống hoặc còn gọi là tàu hộ vệ hạng nhẹ, với lượng giãn nước vỏn vẹn 949 tấn nhưng được trang bị vũ khí rất mạnh.

Tàu có chiều dài 74 mét, chiều rộng 11 mét, mớn nước 2,6 mét, với thủy thủ đoàn chỉ có 30 người. Tàu có tốc độ tối đa là 26 hải lý/h (tương đương 48km/h), phạm vi hành trình 2300 hải lý (tương đương 4300 km) với tốc độ tuần tra 12 hải lý/h, thời gian hoạt động liên tục trên biển là 10 ngày

Giá phóng thế hệ mới RATEP Komar cho tên lửa phòng không dòng Igla trên tàu Buyan-M 

Trang bị cơ bản của tàu là hệ thống tên lửa hành trình đa năng phóng từ tàu nổi Kalibr-NK với các tên lửa hành trình chống hạm 3M-54T có khả năng diệt mục tiêu trên biển từ khoảng cách 660 km và tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M-14T có phạm vi tấn công xa tới 2.500 km.

Tuy là các tàu cỡ nhỏ nhưng mỗi tàu có khả năng mang tới 8 tên lửa, có thể sử dụng riêng loại 3M-14T hoặc 3M-54T hoặc hỗn hợp cả 2 loại. Tên lửa được phóng từ các bệ phóng thẳng đứng UKSK - một loại bệ phóng đa năng, có thể phóng cả tên lửa chống hạm siêu âm P-800 Oniks.

Tàu được trang bị pháo hạm A-190-01 cỡ nòng 100mm, có khả năng bắn 80 quả đạn mỗi phút. Nó còn được lắp đặt pháo bắn nhanh AK-630M2 có tốc độ bắn nhanh khủng khiếp 10.000 phát/phút với hai cụm pháo 6 nòng cỡ 30mm.

Ngoài ra, tàu còn được trang bị các vũ khí nhẹ hơn là hai súng máy hạng nặng KPV cỡ nòng 14,5mm lắp đặt 2 bên tàu và ba khẩu súng máy PKM 7,62 mm.

Để bảo vệ tàu trước đòn tấn công từ trên không, Buan-M được trang bị thêm giá phóng thế hệ mới RATEP Komar, sử dụng cho cả serial đạn tên lửa phòng không tầm nhiệt 9M38/9M313/9M342, thuộc hệ thống phòng không cá nhân (MANPADS) Igla.