Bộ ngoại giao Nga nói Moscow lo ngại trước những hành động làm tăng thêm xung đột. Hiện nhiều người biểu tình vẫn cương quyết đòi tổng thống Viktor Yanukovych phải từ chức sau khi ông mới trở lại làm việc cách đây ít ngày.
Trong khi đó, Mỹ và châu Âu vẫn đang nỗ lực giúp Ukraine thoát khỏi khoản nợ lớn. Chi tiết về kế hoạch vẫn chưa được hé lộ nhưng những nhà chức trách của châu Âu và Mỹ cho biết sự giúp đỡ sẽ gồm điều kiện Kiev phải có “cải cách thực sự”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jose Manuel Barroso khẳng định châu Âu không hề có ý định chống lại Nga để giành lòng trung thành của Ukraine.

Người biểu tình tập trung ở trung tâm thủ đô Kiev sau khi tổng thống Ukraine trở lại làm việc
Nga đã kí cam kết sẽ viện trợ 15 tỷ USD cho Ukraine vào năm ngoái nhưng với điều kiện một chính phủ mới phải được thành lập, sau khi thủ tướng và nội các đã tuyên bố từ chức vào tuần trước.
Bạo loạn ở Ukraine bắt đầu vào tháng 11/2013, khi Tổng thống Yanukovych từ chối ký thỏa thuận thương mại với châu Âu mà thay vào đó chấp nhận khoản viện trợ từ Nga.
Điều này là nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình ở Kiev. Ban đầu, các cuộc biểu tình này diễn ra trong hòa bình nhưng nó nhanh chóng biến thành bạo lực thậm chí gây chết người, khi chính phủ thông qua luật chống biểu tình mới vào tháng 1/2014.

Những người biểu tình muốn Ukraine thân thiết với châu Âu hơn là Nga
Vào chủ nhật (2/2), hàng ngàn người tập trung biểu tình ở trung tâm thủ đô Kiev, dẫn đầu là lãnh đạo phe đối lập, kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Bộ Ngoại giao Nga đã lên án hành động của phe đối lập và cho biết Moscow vô cùng quan ngại sau hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Munich vào tuần trước về tương lai Ukraine: “Chúng tôi hi vọng phe đối lập ở Ukraine không đe dọa hay đưa ra tối hậu thư mà nên tăng cường đối thoại với giới chính phủ nhằm tìm ra một cách giải quyết hợp lí để thoát khỏi cuộc khủng hoảng”.
Tổng thống Ukraine, Yanukovych đã phải nghỉ ốm từ thứ tư tuần trước, tuy nhiên phe đối lập nghi ngờ về sự việc này và cho rằng đây chỉ là một hành động nhằm "câu giờ". Sau khi quay trở lại làm việc vào ngày thứ hai, Tổng thống Yanukovych đã khẳng định rằng Ukraine sẽ “nói không với chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa cấp tiến”. Nhiệm vụ đầu tiên của ông này là chỉ định một thủ tướng mới, thay cho ông Mykola Azarov mới từ chức.
Chính phủ Ukraine đã có một loạt những hành động nhượng bộ như dỡ bỏ luật chống biểu tình gây tranh cãi, thông qua luật ân xá đối với những người biểu tình bị giam giữ. Tuy nhiên, những người biểu tình có quan điểm thân châu Âu vẫn không chịu nhân nhượng mà tiếp tục đòi tổng thống phải từ chức và tiến hành bầu cử sớm.