Nếu Mỹ - Trung đạt thỏa thuận thương mại, điều gì sẽ giữ giá vàng ở mức cao?

ANTD.VN - Cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang có những tín hiệu lạc quan và có thể một thỏa thuận thương mại sẽ sớm đạt được sau đó. Tuy nhiên nhiều nhận định vẫn cho rằng, giá vàng vẫn có động lực đi lên và giữ ở mức cao từ nay đến cuối năm.

Giá vàng trong nước và thế giới hôm nay không có nhiều biến động so với phiên hôm qua. Theo đó, vàng thế giới đang giao dịch quanh mức 1.493.6 USD/ounce, tăng nhẹ 1,1 USD so với chốt phiên liền trước.

Trong khi đó, giá vàng trong nước biến động không đồng nhất, tăng – giảm nhẹ so với chốt phiên hôm qua. Cụ thể, vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giảm 60 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào – bán ra, đang giao dịch tại 41,50 – 41,77 triệu đồng/lượng (TP.HCM), 41,50 – 41,79 triệu đồng/lượng (Hà Nội).

Tại PNJ, doanh nghiệp này lại tăng 50 nghìn đồng/lượng vàng SJC, giao dịch tại 41,50 – 41,80 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, DOJI tăng 110 nghìn đồng/lượng chiều mua vào trong khi lại giảm tới 190 nghìn đồng/lượng chiều bán ra, khiến chênh lệch mua vào – bán ra giảm mạnh, giá vàng SJC tại doanh nghiệp này đang là 41,56 – 41,76 triệu đồng/lượng.

Giá vàng hôm nay không có nhiều biến động do thiếu thông tin hỗ trợ

Giá vàng không có nhiều biến động khi những thông tin về đàm phán thương mại Mỹ - Trung chưa có gì đột biến sau những tín hiệu lạc quan trước đó. Nhiều khả năng một thỏa thuận thương mại sẽ đạt được sau cuộc đàm phán lần này, khi đó, giá vàng sẽ chịu áp lực giảm.

Tuy nhiên, một báo cáo mới công bố bởi Ngân hàng Standard Chartered, giá vàng sẽ vẫn tiếp tục tăng nhẹ và đạt mức trung bình cuối năm khoảng 1.510 USD/ounce. Giá vàng có thể diễn biến khả quan nhờ vào sự suy yếu của sản lượng của Hoa Kỳ, cùng với đó là khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Báo cáo chỉ ra rằng trong khi nhu cầu vật chất đối với vàng có thể yếu đi, thì nhu cầu đầu tư tăng sẽ giữ giá vàng ở mức cao. Hiện bắm giữ vàng của các quỹ ETP đã đạt đến một mức cao mới.

Ngoài ra, hàng loạt yếu tố kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương và rủi ro địa chính trị tăng cao… sẽ vẫn là trợ lực cho kim loại quý này.