NATO mở rộng về phía đông: Đồng minh hay những phụ thuộc an ninh?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - NATO bành trướng sang phía đông, kết nạp những đồng minh nhỏ bé, không làm tăng sức mạnh tổng hợp của cả khối, mà chỉ làm gia tăng gánh nặng về an ninh.
Chủ đề “NATO bành trướng sang phía đông” luôn được ví với một cuộc chiến giữa Nga với Mỹ và NATO

Chủ đề “NATO bành trướng sang phía đông” luôn được ví với một cuộc chiến giữa Nga với Mỹ và NATO

Ted Galen Carpenter, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Cato trong một bài báo đăng trên Tạp chí National Interest mang tên “NATO Security Dependents Are Not Useful Allies” (tạm dịch: “Các nước phụ thuộc an ninh vào NATO không phải là đồng minh hữu ích”), đã gọi các nước trong khối NATO là "vô dụng" về mặt quân sự.

Đồng minh hay những “kẻ phụ thuộc an ninh”?

Theo ông Carpenter, nhiều nước được gọi là đồng minh của Mỹ thực chất là các “khoản nợ kếch xù” hơn là “lợi ích chiến lược” trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Chúng chính là những cái bẫy tiềm tàng, có thể khiến Mỹ vướng vào những cuộc đối đầu quân sự không cần thiết.

Theo quan điểm của tác giả, Washington đã có những hành động vô cùng khinh suất khi đưa vào trong Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) những quốc gia, mà việc bảo vệ họ là gánh nặng đối với Mỹ và có thể kéo nước này vào những cuộc chiến bất lợi.

NATO không ngừng mở rộng sang phía đông, kết nạp thêm nhiều thành viên Đông Âu và Liên Xô cũ
NATO không ngừng mở rộng sang phía đông, kết nạp thêm nhiều thành viên Đông Âu và Liên Xô cũ

Theo ông Carpenter, kể từ giữa những năm 1990, Mỹ đã “tiếp nhận không hề chọn lựa” các nước Đông Âu vào liên minh.

Trong quá nhiều trường hợp, đồng minh mà Washington chào mời là “những kẻ nhỏ bé, yếu ớt, thường là những kẻ phụ thuộc vô dụng về mặt quân sự”. Điều tồi tệ nhất là những nước này thường có quan hệ xấu với các quốc gia láng giềng hùng mạnh hơn.

Tác giả cho rằng, tiềm lực kinh tế và quốc phòng của các nước có xuất xứ từ không gian hậu Xô viết như: Albania, Slovenia, Montenegro hay Bắc Macedonia là rất nhỏ, vì thế nên tư cách thành viên của họ trong NATO không có tác dụng làm tăng sức mạnh tổng hợp của cả khối, mà ngược lại, chỉ làm gia tăng gánh nặng bảo đảm an ninh.

Kết nạp 3 quốc gia Baltic

Theo chuyên gia Carpenter, việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Mỹ đến gần biên giới Nga là một sai lầm nghiêm trọng, mà điển hình trong đó là việc chính quyền George W. Bush kết nạp các nước Baltic gia nhập Liên minh năm 2004, được coi là một bước đi cực kỳ nguy hiểm.

NATO kết nạp các nước Baltic vào năm 2004 và gánh chịu thêm những mâu thuẫn với Nga và Belarus
NATO kết nạp các nước Baltic vào năm 2004 và gánh chịu thêm những mâu thuẫn với Nga và Belarus

Estonia, Latvia và Litva không chỉ thực hiện chính sách bài Nga cực đoan mà còn gây xích mích lớn với chính quyền Minsk, đồng minh chính của Moscow trong khu vực, gây ra mâu thuẫn lớn với Nga, dẫn đến tình hình khu vực này luôn mang lại mối bận tâm lớn cho cả khối.

Xét cả về quy mô và vị trí, các nước cộng hòa vùng Baltic không phải là tài sản chiến lược đáng tin cậy đối với Mỹ, cả Estonia, Latvia và Litva sẽ gần như bất lực nếu Nga thực hiện một động thái quân sự chống lại họ.

Một nghiên cứu của Tập đoàn RAND năm 2016 kết luận rằng, một cuộc tấn công của Nga sẽ đập tan hệ thống phòng thủ của cả 3 nước trong khoảng ba ngày.

Những quốc gia như vậy không phải là “đồng minh” của Mỹ theo bất kỳ nghĩa nào, mà họ đơn thuần là những nước phụ thuộc dễ bị tổn thương, nhưng lại luôn gây ra rắc rối, tiềm ẩn nguy cơ có thể gây ra chiến tranh giữa NATO (chủ yếu là Mỹ) và Nga bất cứ lúc nào.

Mỹ và NATO không thể kết nạp Gruzia sau thất bại trong “Cuộc chiến tranh 5 ngày” với Nga
Mỹ và NATO không thể kết nạp Gruzia sau thất bại trong “Cuộc chiến tranh 5 ngày” với Nga

“Khai hóa tiềm năng” của Ukraine và Gruzia

Tiếp theo, chính quyền George W. Bush đã cố gắng bắt đầu “khai hóa” Gruzia và Ukraine một cách thiếu cân nhắc, khi luôn ca ngợi “mối tình địa-chính trị” thực sự với cả Gruzia và Ukraine, miêu tả họ như những hình mẫu cho “các nền dân chủ mới nổi” và thực sự xứng đáng là đồng minh của Mỹ.

Chỉ có lập trường cứng rắn của Pháp và Đức mới ngăn cản được Washington trao tư cách thành viên NATO cho hai nước cộng hòa hậu Xô viết này, bởi cả Paris và Berlin đều hiểu rằng, việc NATO mở rộng sát biên giới Nga sẽ là phát súng lệnh cho một cuộc chiến tranh mà chỉ có Brussels và Moscow là người chịu thiệt.

Tuy nhiên, cho đến bây giờ Mỹ vẫn chưa từ bỏ ý định hợp nhất Kiev và Tbilisi vào không gian của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương và điều đó luôn gây nguy hiểm cho quan hệ Nga-Mỹ, bởi việc kết nạp hai nước này được cho là sẽ vượt quá giới hạn “Lằn ranh đỏ” của Moscow, mà bài học đã được thấy rõ ràng ở Gruzia và Ukraine.

Trong cuộc “Chiến tranh 5 ngày” tháng 8-2008, Gruzia đã để mất Nam Ossetia và Abkhazia; còn trong chính biến Maidan 2014, Ukraine đã mất Crimea và Donbass. Những nước này đã được gì khi lãnh thổ bị chia cắt, đất nước thì bị suy yếu? Còn Mỹ và NATO đã được gì khi suốt ngày phải lo lắng về một cuộc chiến tranh với Nga?

Ukraine không được gia nhập NATO là một điều kiện mấu chốt của Nga trong thỏa thuận an ninh mới với Mỹ
Ukraine không được gia nhập NATO là một điều kiện mấu chốt của Nga trong thỏa thuận an ninh mới với Mỹ

Washington nên làm gì?

Khi các quan chức Mỹ mô tả các chế độ mà Washington đã thiết lập thông qua việc can thiệp quân sự, ví dụ như Afghanistan và Iraq, là đồng minh, rõ ràng là họ đã mất tỉnh táo, thậm chí hiểu biết rất ít về khái niệm này.

Điểm đó càng trở nên rõ ràng khi chính quyền Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn gục ngã gần như chỉ trong một đêm trước cuộc tấn công của lực lượng Taliban.

Theo nhận định của chuyên gia Carpenter, những hành động khinh suất của phương Tây cho thấy họ không học hỏi được gì từ những sai lầm trong quá khứ.

Vào thời điểm này, đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách của Mỹ phải làm tốt hơn, ngừng tự đặt mình vào thế cực kỳ nguy hiểm, có khả năng dẫn đến một cuộc chiến tranh tai hại với Nga, mà đầu tiên là không kết nạp Ukraine vào NATO, điều mà Moscow coi là điều kiện tiên quyết trong đàm phán về thỏa thuận an ninh mới với Washington.

Theo tác giả, Washington cần có những điều chỉnh chiến lược để làm tốt hơn, lựa chọn khôn ngoan hơn những quốc gia mà họ đặt trong danh sách các đồng minh của mình và các nhà lãnh đạo Mỹ nên ngừng việc “nâng những người phụ thuộc an ninh lên vị thế của các đồng minh”.