Nạn nhân của thời tiết lạnh

(ANTĐ) - Mùa lạnh đến theo những đợt rét cắt da, cắt thịt khiến nhiều loại bệnh tật có cơ hội xâm nhập cơ thể, thậm chí một số bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Chỉ riêng đối với nạn nhân đầu tiên của thời tiết lạnh sau đây đã khiến cơ thể chúng ta khó lòng chống đỡ.

Nạn nhân của thời tiết lạnh

(ANTĐ) - Mùa lạnh đến theo những đợt rét cắt da, cắt thịt khiến nhiều loại bệnh tật có cơ hội xâm nhập cơ thể, thậm chí một số bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Chỉ riêng đối với nạn nhân đầu tiên của thời tiết lạnh sau đây đã khiến cơ thể chúng ta khó lòng chống đỡ.

Phổi

( Ảnh có tính minh họa)
( Ảnh có tính minh họa)

Hệ hô hấp từ mũi họng đến phế quản, phổi là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh trên một diện rất rộng. Các bệnh thường gặp là viêm đường hô hấp trên như mũi, họng, xoang; viêm đường hô hấp dưới như viêm phế quản, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do nhiễm trùng phế quản, viêm phổi.

Bình thường, khi ta hít thở, không khí sẽ được sưởi ấm, làm ẩm và lọc sạch một phần nhờ niêm mạc đường hô hấp trên như niêm mạc mũi, họng trước khi đi vào khí quản. Khi trời quá lạnh, chức năng này không được đảm bảo, hơi thở vào đường hô hấp có nhiệt độ thấp gây nên tình trạng co các mạch máu nuôi lớp niêm mạc đường hô hấp.

 Cơ thể nhiễm lạnh, đường hô hấp trên bị ảnh hưởng đầu tiên gây nên viêm mũi, họng, xoang, từ đó nhiễm trùng lan xuống khí phế quản và nhu mô phổi gây viêm phế quản, viêm phổi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bị viêm phổi luôn mà không có biểu hiện viêm đường hô hấp rõ rệt.

Phát hiện và điều trị sớm nhiễm trùng đường hô hấp trên để tránh nhiễm trùng lan xuống phế quản, phổi. Trẻ nhỏ nếu bị viêm mũi, cần khai thông đường hô hấp trên bằng cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý Natri clorid 0,9% (cho trẻ nằm  nghiêng, đầu kê trên một chiếc khăn bông to, bơm dung dịch nước muối sinh lý vào lỗ mũi phía trên sao cho dịch chảy đẩy các chất tiết trong mũi ra lỗ mũi phía dưới). Người già cần có chế độ tập thể dục đều đặn để nâng cao sức đề kháng.

Mặc ấm khi ra trời lạnh là biện pháp hữu hiệu nhất. Hạn chế ra ngoài trời vào sáng sớm hoặc đêm khuya vì lúc đó khí hậu rất lạnh. Trong nhà, cần đóng kín các cửa, các khe, lỗ hở để tránh gió lùa. Nếu có điều kiện thì dùng lò sưởi, nhất là các gia đình có trẻ nhỏ và người già vì khả năng chịu lạnh của họ kém.

Gia đình có điều kiện dùng điều hòa nhiệt độ cũng nên lưu ý không nên để nhiệt độ trong phòng ngủ quá cao, nhất là trong nhà có trẻ nhỏ phải đi học và người lớn phải đi làm hằng ngày, vì sự chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài nhà quá lớn cũng dễ gây viêm đường hô hấp trên.

Nên bỏ thói quen hút thuốc lá nhằm làm cơ thể ấm lên. Bởi thuốc lá và rượu làm giảm sức đề kháng cơ thể và ảnh hưởng lớn đến phổi.

Tim mạch

Khi gặp lạnh, phản xạ tự nhiên của các mạch máu trong cơ thể thường co lại để giữ nhiệt cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu phản xạ giữ nhiệt của cơ thể xảy ra đột ngột và quá mức thì lại có hại, làm huyết áp tăng cao đột ngột, dễ gây ra biến chứng như tai biến mạch máu, chảy máu não, nhồi máu cơ tim...

 Do vậy khí hậu lạnh có ảnh hưởng rất lớn đến người bệnh cao huyết áp. Nếu có bệnh huyết áp, cho dù đã ổn định, vẫn nên kiểm tra lại huyết áp để có thái độ xử trí đúng đắn, kịp thời. Nếu huyết áp tăng cao hơn bình thường từ 20-30mmHg, thì nên đi khám ngay để được hướng dẫn cách dùng thuốc. Với người chưa từng phát hiện bị cao huyết áp, cũng không nên chủ quan vì đa số bệnh nhân cảm thấy trong người hoàn toàn bình thường.

Tất cả người trưởng thành phải được đo huyết áp một cách thường quy ít nhất 5 năm một lần cho đến 80 tuổi. Nên kiểm tra huyết áp ngay khi bạn có một trong các dấu hiệu sau: Nhức đầu (thường là sau gáy), xây xẩm, hồi hộp, mờ mắt, bất lực (nam giới), dễ mệt, dễ toát mồ hôi, yếu nửa người hay yếu một chi, đau ngực, khó thở, đi tiểu nhiều, tăng cân, dễ xúc động...

Trong sinh hoạt hàng ngày, nên giữ ấm cho cơ thể bằng cách mặc áo đủ ấm, đeo găng tay, đi giày, đội mũ len, đeo khẩu trang khi ra đường. Cũng cần phải tránh hiện tượng gió lùa, hiện tượng này gây lạnh đột ngột khiến huyết áp dễ tăng cao gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Một trong những biện pháp điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc mà các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân là thường xuyên tập thể dục ở mức vừa phải như đi bộ, chạy bộ hoặc bơi lội trong 30-45 phút, 3-4 lần mỗi tuần.

Việc tập thể dục nhẹ có thể làm giảm huyết áp tâm thu 4-8mmHg. Tuy vậy, khi trời quá lạnh, không nên tập thể dục ngoài trời mà có thể tập trong nhà và nếu đang ở tình trạng tăng huyết áp nặng thì không nên tập cho đến khi điều trị hiệu quả.

Bs. Nguyễn Thiết