Năm 2023: Thị trường xuất khẩu nào tiềm năng với hàng Việt?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Ngoài các thị trường truyền thống như: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… hàng Việt có thể xâm nhập vào các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh…
Hàng Việt đã có mặt tại nhiều thị trường lớn trên thế giới

Hàng Việt đã có mặt tại nhiều thị trường lớn trên thế giới

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại UAE cho biết, hàng Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang UAE do nhu cầu tiêu dùng cao, sản xuất nội địa chưa đáp ứng. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng được khuyến cáo: UAE là thị trường cạnh tranh rất khốc liệt về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là giá cả, do đó doanh nghiệp cần có chiến lược tiếp cận phù hợp.

Mặt khác, dân số của UAE phần lớn theo đạo Hồi, do vậy chứng nhận Hala cho mặt hàng lương thực, thực phẩm là cần thiết; tem mác trên bao bì sản phẩm nên được dịch sang tiếng Arab, cần ghi rõ và đầy đủ thông tin về sản phẩm…

Về thị trường Bỉ và EU, ông Trần Ngọc Quân- Tham tán thương mại tại Bỉ và EU cho biết, năm 2023 thị trường EU được dự báo có nhiều thách thức, tuy nhiên theo lộ trình cam kết trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU, năm nay nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang EU về được hưởng mức thuế 0%. Điều này là lợi thế cạnh tranh, cũng là động lực cho Việt Nam tăng xuất khẩu sang EU.

Theo ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), năm 2022, ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển các thị trường truyền thống, Bộ Công Thương còn giúp đỡ doanh nghiệp thông tin để khai thác các thị trường mới như: Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh…

Nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở lớn, hàng Việt có cơ hội xâm nhập vào nhiều thị trường. Tuy nhiên, đại diện các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài lưu ý, ngoài việc bắt buộc phải đáp ứng những tiêu chuẩn riêng của từng thị trường về chất lượng, quy trình sản xuất… thì doanh nghiệp cần lưu ý các biện pháp phòng vệ thương mại có thể bị áp dụng.

Tháng 1-2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng trước và giảm 21,3% so với cùng kỳ năm trước do trùng dịp nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão.

Trong tháng 1, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 8,1 tỷ USD.

Tháng 1 cũng ghi nhận, xuất siêu sang EU ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang Nhật Bản 100 triệu USD giảm 65,3%; nhập siêu từ Trung Quốc 3,4 tỷ USD, giảm 52,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 2,5 tỷ USD, giảm 20,9%; nhập siêu từ ASEAN 1,3 tỷ USD, tăng 74,3%.

Theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), năm 2022, thặng dư thương mại giữa Việt Nam và thị trường khu vực châu Mỹ, trong đó có Hoa Kỳ đạt mức lịch sử lần đầu cán mốc 100 tỷ USD.

Để xuất khẩu bền vững và mở rộng thị trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, các doanh nghiệp ngay từ khi bắt tay vào sản xuất đều đã phải trả lời được câu hỏi một cách rõ ràng, làm cái gì để bán hàng đâu, cho ai, thậm chí với giá bao nhiêu.

“Đã đến lúc phải thay đổi phương thức, thay đổi từ quan điểm, chủ trương cho đến tổ chức sản xuất phải theo tín hiệu thị trường. Tất cả những sản phẩm làm ra đều phải có địa chỉ, đều phải đáp ứng được các cái tiêu chuẩn, tiêu chí và điều kiện của một thị trường nào đó chứ không phải sản xuất ra theo tập quán thói quen và hô hào cả hệ thống vào cuộc để giải cứu”- ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.