Người dân đã bắt đầu mua sắm Tết |
Chỉ còn 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán 2023, thời điểm này, hàng tiêu dùng phục vụ Tết đã lên kệ. Khảo sát cho thấy, các loại bánh mứt kẹo, ô mai, trà, nước giải khát hàng Việt áp đảo trên thị trường.
Tại chuỗi siêu thị GO!, Tops Market, các loại bánh kẹo Việt như: Tràng An, Hải Hà, Richy và các loại bánh mứt kẹo do trong nước sản xuất chiếm đa số. Đại diện Central Retail cho biết, trên 90% doanh số của hệ thống bán lẻ này đến từ hàng nội địa và hàng sản xuất trong nước. Cùng đó, doanh nghiệp cũng thúc đẩy thu mua nông sản tại các vùng miền địa phương, đặc biệt ưu tiên thu mua tại vùng miền địa phương gần vị trí siêu thị; hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp bằng việc thực hiện chính sách thu mua tận vườn và đặt đơn hàng trực tiếp với các hộ nông dân và các hợp tác xã.
“Các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam luôn được ưu tiên tại các vị trí trưng bày tốt trong siêu thị và được miễn phí thuê quầy kệ”- đại diện Central Retail nói.
Tương tự, theo đại diện siêu thị Co.opmart Hà Đông, hàng Việt Nam hiện chiếm đến trên 90% hàng hóa đang bán tại siêu thị. Hệ thống siêu thị này luôn ưu tiên bày bán nhiều hàng hóa của các nhà sản xuất trong nước, đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt chất lượng VietGap, GlobalGap.
“Sau nhiều năm nỗ lực với những thay đổi mang tính chiều sâu, đến nay có thể khẳng định nhiều mặt hàng made in Việt Nam đã đủ mạnh để chi phối thị trường Tết Nguyên đán. Không chỉ nhà sản xuất nỗ lực đầu tư, đa dạng sản phẩm, tạo nét mới trong tiêu dùng, mà quan trọng là thay đổi tâm lý “sính hàng ngoại nhập” của người tiêu dùng, hàng nội được người tiêu dùng ưu tiên chọn mua bởi sự thay đổi căn bản về mẫu mã và chất lượng”- đại diện Co.opmart Hà Đông cho hay.
Tại AEON Việt Nam, hàng Việt cũng đang tăng tỷ lệ hàng Việt Nam, đặc biệt trong dịp Tết này. Theo Bộ Công Thương, hiện hàng Việt đã chiếm tỷ lệ trên 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước, còn tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, tỷ lệ này chiếm từ 60-96%.
Chị Hoàng Mai Lan (Cầu Giấy- Hà Nội) cho biết: “Bánh kẹo Việt Nam ngày càng ngon hơn, đáp ứng được nhu cầu của nhiều người dùng hơn. Các loại bánh kẹo đã giảm ngọt, hương vị phong phú, mẫu mã đẹp, hiện đại. Giá cả hàng nội cũng hợp lý hơn hàng ngoại nhập”.
So sánh về hàng hóa Việt Nam phục vụ dịp Tết và hàng ngoại, chị Thảo Ly (Hai Bà Trưng- Hà Nội) cho hay: “Bánh kẹo nhập khẩu thường có bao gói lạ mắt, sang trọng nhưng thường có giá cao, hương vị nhiều loại cũng không phù hợp với người Việt Nam. Thêm vào đó, hàng xách tay, hàng ngoại bán trên mạng xã hội cũng rất nhiều nhưng người dùng không biết có phải “hàng xịn” không. Trong khi đó, hàng nội lại đang cải tiến nhiều cả về mẫu mã và chất lượng”.
Trong dịp Tết, ngoài thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến sẵn, người tiêu dùng thường mua sắm nhiều nhất là các mặt hàng bánh mứt kẹo, trà, nước giải khát, thực phẩm khô. Năm nay, các hãng bia như: Habeco, bia Sài Gòn… đều đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng và có giá phải chăng với người tiêu dùng. Bia nhập ngoại dù vẫn được bày bán song chỉ phục vụ một số đối tượng khách hàng nhất định ở phân khúc cao cấp.
Với các mặt hàng trà, thực phẩm khô, hàng Việt cũng chiếm ưu thế tuyệt đối vì đây thường gắn với các món ăn truyền thống của Việt Nam, không thể thiếu trong dịp Tết nên hàng nhập ngoại “không có cửa” để cạnh tranh.
Ghi nhận thị trường cũng cho thấy, so với Tết năm ngoái, giá hàng Tết có xu hướng tăng nhẹ, từ 5-7% tùy mặt hàng. Tuy nhiên, với một số mặt hàng, nhà sản xuất và nhà phân phối cũng liên kết để khuyến mại, giảm giá cho khách hàng. Hiện, sức mua hàng Tết trên thị trường chưa tăng cao đột biến.