Nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ Ukraine - Nga

ANTD.VN - Quan hệ vốn đã rất căng thẳng giữa Ukraine và Nga sau vụ bắt giữ tàu hải quân trên Biển Azov lại leo lên nấc thang mới khi Ukraine chấm dứt Hiệp ước hữu nghị với Nga bất chấp Matxcơva từng cảnh báo Kiev đừng “đùa với lửa”.

Nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ Ukraine - Nga ảnh 1Tổng thống Petro Poroshenko thăm một căn cứ không quân Ukraine ngày 6-12 trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Nga

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết, ngày 10-12 đã ký thành luật việc chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Ukraine và Nga. Trước đó, Tổng thống Poroshenko vào ngày 17-9 cũng đã ký ban hành sắc lệnh về ngừng hiệu lực của Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine, sau khi Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine (SNBO) có quyết định về việc chấm dứt hiệp ước này.

Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Ukraine và Nga được xem là nền tảng cho quan hệ hợp tác giữa 2 quốc gia tách ra từ Liên Xô trước đây với các điều khoản công nhận biên giới hiện có không thể bị phá vỡ, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và nghĩa vụ song phương không sử dụng lãnh thổ của mình chống lại nhau. Hiệp ước được ký ngày 1-4-1999 dưới thời Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych chủ trương quan hệ gần gũi với Nga này sẽ được tự động gia hạn sau mỗi thời gian 10 năm.

Việc chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Ukraine và Nga khiến quan hệ song phương càng trở nên căng thẳng sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu hải quân và thủy thủ Ukraine đi qua Eo biển Kerch vào Biển Azov ngày 25-11 vừa qua với cáo buộc “xâm phạm lãnh hải Nga”, điều mà Ukraine bác bỏ ngay sau đó. Kiev ngay sau đó đã ban bố tình trạng chiến tranh trong 30 ngày tại 10 vùng giáp biên giới Nga, Biển Đen và Biển Azov.

Quan hệ Ukraine-Nga chưa được cải thiện sau cuộc khủng hoảng tồi tệ năm 2014 khi Matxcơva sáp nhập trở lại Crimea lại chìm vào băng giá. Nga cáo buộc Ukraine đang  “chơi với lửa” khi ban bố tình trạng chiến tranh và không chịu thông qua con đường ngoại giao để giải quyết tranh chấp.

Tổng thống Poroshenko, người có khả năng tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 3-2019, ngay sau căng thẳng mới nhất trong quan hệ với Nga bùng nổ đã kêu gọi Mỹ và phương Tây trừng phạt Matxcơva. Thế nhưng, ngoài việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị cấp cao G-20 tại Argentina mà lý do không hẳn chỉ vì cuộc khủng hoảng mới Ukraine-Nga, các quốc gia phương Tây chưa có thêm động thái gì đáng để nhằm hưởng ứng kêu gọi từ Kiev.

Các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc họp ngày 10-12 tại Thủ đô Brussels của Bỉ đã không đưa ra thêm bất kỳ biện pháp trừng phạt bổ sung nào chống lại Nga sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine. Trước đó, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng khiến Kiev “phiền lòng” khi từ chối đề nghị gia tăng hỗ trợ cho Ukraine trong tranh chấp với Nga, một chỉ dấu cho thấy rõ liên minh quân sự này không muốn căng thẳng giữa Kiev và Matxcơva leo thang.

Có nhiều nguyên nhân khiến phương Tây không mặn mà đáp ứng kêu gọi hậu thuẫn Ukraine trong cuộc đối đầu mới với Nga, trong đó có nguyên nhân quan trọng là an ninh và kinh tế. Điều này được Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini tuyên bố thẳng tại cuộc họp giữa các Ngoại trưởng các nước thành viên NATO ngày 5-12 vừa qua ở Milan (Italy) khi nhấn mạnh căng thẳng Nga-Ukraine không chỉ đe dọa an ninh EU mà còn gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của liên minh này.

Sự ủng hộ gọi là cho có từ phương Tây đối với Ukraine trong căng thẳng mới với Nga cho thấy cảnh báo Kiev đừng “đùa với lửa” không phải là không có cơ sở.