Mỹ vạch kế hoạch ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông

ANTD.VN - Chiến dịch thứ ba tuần tra bảo vệ quyền tự do đi lại trên Biển Đông được Mỹ tiến hành liên tiếp từ hạ tuần tháng 5-2017 đến nay đang dần làm rõ chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump với các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. 

Tàu khu trục USS Dewey trong chuyến tuần tra trên Biển Đông hồi cuối tháng 5-2017

Theo Breitbart News, một hãng truyền thông thân cận với Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã chuẩn y một kế hoạch hành động cụ thể do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đệ trình. Kế hoạch này phác thảo cả một lịch trình dùng cho cả năm, điều động chiến hạm Mỹ đi vào những vùng biển quốc tế mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền một cách bất hợp pháp. 

Mặc dù, Hải quân Mỹ thường xuyên tiến hành các “hoạt động bảo vệ tự do hàng hải” trên khắp thế giới từ nhiều thập niên trước đây, nhưng chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, vì tránh đụng chạm đến Trung Quốc, đã cho dừng các chiến dịch này ở Biển Đông từ năm 2012-2015, chỉ thực hiện một vài vụ vào năm 2016. 

Trong 100 ngày đầu của nhiệm kỳ Tổng thống, ông Donald Trump cũng không điều bất cứ tàu chiến nào đã đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo tranh chấp ở Biển Đông. Thậm chí xuất hiện cả thông tin rằng, Bộ Quốc phòng Mỹ nhiều lần bác bỏ đề nghị tuần tra hàng hải ở Biển Đông do Bộ chỉ huy Thái Bình Dương đề xuất vì ông Donald Trump đang có chiều hướng mềm mỏng với Trung Quốc để nhờ cậy giúp đỡ trong xử lý căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Trên thực tế, trong giai đoạn chuyển giao quyền lực ở Mỹ, hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông và một số khu vực khác bị gián đoạn, khiến dư luận Mỹ lo ngại Trung Quốc tranh thủ cơ hội đẩy nhanh quân sự hóa phi pháp trên Biển Đông. 7 thượng nghị sĩ Mỹ đã phải liên danh gửi thư lên Tổng thống Donald Trump, yêu cầu tái khởi động các chiến dịch FONOP.

Tuy nhiên, động thái mới nhất cho thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như vẫn kiên định với chính sách xoay trục sang châu Á, trong đó có việc ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo các nhà quan sát, sự gián đoạn trong hoạt động tuần tra của Mỹ trên Biển Đông là do Nhà Trắng và Lầu Năm Góc muốn đánh giá kỹ lưỡng tác động chiến lược của những cuộc tuần tra này với chính sách an ninh quốc gia tổng thể. 

Bản thân ông Donald Trump trong quá trình tranh cử từng nhiều lần chỉ trích Tổng thống Barack Obama vì sự yếu đuối trong vấn đề Biển Đông nên mới để Trung Quốc lấn tới trong việc cải tạo và bồi lấp, xây dựng quy mô lớn. “Bật đèn xanh” cho các hoạt động tuần tra bảo vệ quyền tự do đi lại trên Biển Đông, ông Donald Trump đang khẳng định lại các cam kết của mình trong các tuyên bố tranh cử.

Hôm 24-5, lần đầu tiên dưới thời của Tổng thống Donald Trump, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Dewey của Mỹ đã di chuyển trong khu vực 12 hải lý xung quanh Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá Vành Khăn đã bị Trung Quốc bồi lấp thành đảo nhân tạo phi pháp với đường băng, cầu cảng và các công trình quân sự kiên cố. 

Với việc tiến hành liên tiếp các cuộc tuần tra bảo vệ quyền tự do đi lại trên Biển Đông, Nhà Trắng muốn phát đi thông điệp rằng các hoạt động tuần tra này được thực hiện một cách “rất bình thường và rất thường xuyên”, mang tính chất một phần của hoạt động hải quân thông thường.

Còn theo ông A. Shearer, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Úc và hiện là chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, hoạt động này “sẽ trấn an các đồng minh của Mỹ về việc tự do hàng hải ở Biển Đông, tự do hàng hải ở tây Thái Bình Dương quan trọng đến mức Mỹ sẽ không đánh đổi để có được cam kết hợp tác của Trung Quốc trong các vấn đề khác, kể cả như vấn đề Triều Tiên”.

Hiện chưa rõ kế hoạch này là nằm trong chiến lược châu Á - Thái Bình Dương lớn hơn hay nó chỉ đơn giản được đưa ra nhằm đưa các chiến dịch tự do hàng hải trở nên thường xuyên hơn trên Biển Đông. Nhưng có điều đã rõ là chính sách của ông Donald Trump với vấn đề Biển Đông có những khác biệt với người tiền nhiệm Barack Obama.