Mỹ và Trung Quốc biến hội nghị thượng đỉnh Đông Á thành sân chơi của mình

ANTĐ - Ngày 22-11, tờ “Độc lập” của Nga đã có bài viết với tiêu đề: “Mỹ và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng ở châu Á tại quốc gia nhỏ bé Campuchia”. Nội dung chính của bài viết thể hiện: Mỹ và Trung Quốc đã biến hội nghị thượng đỉnh Đông Á thành vũ đài của mình, ngược lại, Nga không muốn bị cuốn vào vòng thị phi. 

Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tổ chức tại Phnom Penh – thủ đô của Campuchia đã khai mạc ngày 20-11-2012. Ngoài 10 nước ASEAN, hội nghị đã thu hút sự chú ý của những quốc gia hàng đầu thế giới như: Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã tham dự hội nghị.

Theo tuyên ngôn của hội nghị, các đoàn tham dự phải đối thoại để hiểu biết lẫn nhau trong quá trình thảo luận những vấn đề gai góc nhất, nhưng trên thực tế, bên nào cũng muốn giành phần thắng trong ván cờ này, tìm đủ mọi cách để chiến thắng hoặc thu lợi về cho bản thân.

Sự có mặt của ông Obama và ông Ôn Gia Bảo là tiêu điểm thu hút sự chú ý của hội nghị. Tổng thống Mỹ trông có vẻ mệt mỏi vì chuyến công du trước đó và sự khác biệt về múi giờ, còn Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc thì luôn nở nụ cười mang nhiều ý nghĩa. Tổng thống Mỹ cho rằng, Mỹ và Trung Quốc phải có “trách nhiệm đặc biệt” trong khôi phục và duy trì đà tăng trưởng của kinh tế thế giới, phía Trung Quốc cũng nhấn mạnh, Mỹ và Trung Quốc cần khắc phục những bất đồng, khuyến khích phát triển thương mại và đầu tư.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa), Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại EAS 2012.

Tuy nhiên, chuyến công du đến 3 nước Đông Nam Á là Thái Lan, Myanmar và Campuchia là biểu hiển rõ ràng nhất của chiến lược chuyển mình sang châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Bước ngoặt này được khởi đầu bằng sự kiện Mỹ rút quân khỏi Iraq và Apghanistan, đồng thời tăng cường sự hiện diện quân sự tại Australia, Singapore, Philippines, thậm chí còn tăng cường đẩy mạnh tiếp xúc với địch thủ cũ là Việt Nam.

Sự điều chỉnh chiến lược của Mỹ không ngoài mục đích ngăn chặn Trung Quốc khống chế toàn cục biển Đông, đặc biệt là tuyến đường thông thương quan trọng qua khu vực này, còn Trung Quốc luôn khẳng định huyết mạch trên biển nam Trung Hoa (biển Đông) có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của mình. 

Trung Quốc và Mỹ đều không phải là thành viên của ASEAN nhưng trò chơi của họ đã khiến các quốc gia thành viên của tổ chức này không thể thống nhất được lập trường và không thể đạt thành hiệp định về giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Trên thực tế, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á 2012 cũng đã thất bại giống như Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 (AMM-45) tháng 7 năm nay đã không ra được Thông cáo chung của Hội nghị.

Tờ “Độc lập” cũng đưa ra phân tích về vấn đề tại sao Tổng thống và Thủ tướng Nga không tham dự hội nghị. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Viễn Đông thuộc viên khoa học Nga Alexander Lalin cho rằng, điều này chưa hẳn đã mâu thuẫn với mong muốn tăng cường địa vị của Nga tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương được Nga thể hiện tại Hội nghị thượng đỉnh châu Á – Thái Bình Dương tổ chức tại Vladivostok.

Nga chỉ cử Ngoại trưởng Sergei Lavrov đến tham dự hội nghị

Thứ nhất là hiện Nga không có lợi ích cốt lõi và cũng không có đồng minh quân sự nào ở khu vực này, các vấn đề gai góc của hội nghị cũng không liên quan trực tiếp đến họ. Tuy Nga cũng muốn mở rộng ảnh hưởng tại khu vực này nhưng đây không phải là vấn đề quan trọng hàng đầu trong chiến lược ngoại giao của họ, vì thế Nga không muốn bị lôi kéo vào những tranh chấp không liên quan đến mình.

Nga hiểu rằng, nếu người đứng đầu quốc gia tham dự hội nghị, có toàn quyền quyết định các chính sách thì rất khó có thái độ trung dung khi bị lôi kéo vào bất đồng quan điểm giữa Mỹ và Trung Quốc, mà Nga hiện không muốn làm mất lòng bất cứ ai. Nếu như bị cuốn vào xung đột giữa hai siêu cường số 1 và số 2 thế giới, Nga khó có thể bảo đảm lợi ích riêng của mình. Vì vậy, Tổng thống và Thủ tướng Nga  không tham dự mà chỉ cử Ngoại trưởng Sergei Lavrov đến tham dự là một lựa chọn sáng suốt.