- Tổng thống Mỹ: Chính sách di cư đã hủy hoại danh tiếng của Thủ tướng Đức
- Vì sao Tổng thống Donald Trump khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga "thành công lớn"?
- Tổng thống Mỹ "bình thản" dù Triều Tiên chưa bắt đầu phi hạt nhân hóa
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker sẽ trực tiếp đối thoại với Tổng thống Mỹ Donald Trumptrong chuyến thăm Mỹ từ ngày 25-7
Phát biểu tại buổi họp báo ngày 18-7 trước thềm chuyến công du tới Mỹ trong tuần tới, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker bất ngờ lên tiếng nhấn mạnh những nỗ lực của Mỹ nhằm chia rẽ Liên minh châu Âu (EU) trong lĩnh vực thương mại đều vô ích. Có thể nói tuyên bố này của người đứng đầu cơ quan hành pháp của EU là không bình thường trước một chuyến thăm chính tới đồng minh quan trọng nhất của liên minh gồm 28 quốc gia thành viên này.
Phát ngôn không mấy tích cực trước chuyến thăm chính thức Mỹ của Chủ tịch EC được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Washington với các đồng minh EU đang trở lên rất căng thẳng do xung đột thương mại. Cuộc chiến thương mại được châm ngòi từ quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khi áp mức thuế cao lần lượt là 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm của các nước thành viên liên minh này xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đáp lại, EU liền trả đũa bằng cách áp thuế cao và dựng lên rào cản thương mại đối với hàng hóa như thuốc lá, rượu bourbon, quần bò hay xe máy phân khối lớn của Mỹ.
Không dừng lại, xung đột thương mại giữa hai đối tác hàng đầu của nhau tiếp tục leo thang khi vào đầu tháng 7 này, Tổng thống Donald Trump lại đe dọa áp thuế 20% đối với toàn bộ ô tô lắp ráp tại EU nhập khẩu vào Mỹ. Giới quan sát cho rằng, nếu ông Donald Trump biến lời đe dọa này quyết định trên thực tế, chắc chắn sẽ dẫn tới cuộc khủng hoảng thực sự giữa Mỹ với các quốc gia EU.
Lo ngại trên đây càng có cơ sở hơn khi trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16-7 vừa qua tại Thủ đô Helsinki của Phần Lan, Tổng thống Donald Trump đã khiến tất cả các đồng minh ở châu Âu phải giật mình khi gọi EU là “kẻ thù” thương mại. Khi được hỏi về kẻ thù lớn nhất của Mỹ trên thế giới, Tổng thống Donald Trump đã xếp EU vào “danh sách đen” kẻ thù thương mại của Washington “cùng hạng” với Trung Quốc và Nga.
Sở dĩ Tổng thống Donald Trump không chỉ nặng lời mà còn hành động cứng rắn với EU là bởi trên thực tế liên minh này được Washington xác định là một trong những “thủ phạm” chính gây ra thâm hụt thương mại nặng nề của Mỹ. Kim ngạch thương mại Mỹ - EU năm 2017 là 631 tỷ USD, song con cố thâm hụt của nước Mỹ lên tới 101 tỷ USD, bằng 1/3 so với mức thâm hụt với “kẻ thù thương mại” lớn nhất Trung Quốc với 336 tỷ USD.
Với quan điểm “nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Donald Trump ngay từ khi bước chân vào Nhà Trắng tháng 1-2017 đã không ngần ngại tung ra các đòn tấn công thương mại với bất kỳ quốc gia, đối tác nào mà ông cho là làm tổn hại lợi ích của nước Mỹ và không có ngoại lệ kể cả với đồng minh chiến lược thân thiết lâu nay như EU. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ có thể thấy đòn tấn công thương mại của Mỹ với châu Âu đã được cân nhắc, tính toán sao cho không gây tốn thất lớn, song lại hiệu quả cao nhất.
Việc lựa chọn các mặt hàng nhôm, thép và ô tô để áp thuế cao chỉ nhằm vào một số “ông lớn” EU, đặc biệt là Đức - thành viên có mức xuất siêu lớn vào Mỹ trong liên minh. Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đã lên tiếng kêu gọi EU duy trì sự thống nhất trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ ngày càng gia tăng.
Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cũng đã nhìn thấu “đòn hiểm” thương mại của Mỹ, nhưng liệu ông có “hóa giải” được nó bằng cách làm dịu căng thẳng thương mại với Mỹ trong chuyến công du vào tuần tới?