Mỹ tuần tra Biển Đông: Những thông điệp mạnh mẽ

ANTĐ - Ngày 27-10, Mỹ đã khởi động chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải tại Biển Đông nhằm phủ nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa. Đây là bước đi đầu tiên của Mỹ nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, trực tiếp thách thức Trung Quốc.

Mỹ tuần tra Biển Đông: Những thông điệp mạnh mẽ ảnh 1Tàu USS Lassen Mỹ điều đến tuần tra Biển Đông

Việc tàu khu trục USS Lassen tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh bãi đá ngầm Subi và Vành Khăn trên dãy đảo ngầm nằm trong vùng biển Trường Sa đã thể hiện một phản ứng chính thức từ Mỹ - một cường quốc quân sự trên biển lẫn trên lĩnh vực ngoại giao. Chiến lược đưa tàu vào Biển Đông để tuần tra là bước khởi đầu của Mỹ để can dự sâu hơn vào khu vực, gây sức ép đối với hoạt động “gặm nhấm” Biển Đông của Trung Quốc.

Khi đưa tàu chiến tiến vào khu vực đảo có khả năng trở thành căn cứ quân sự của Bắc Kinh, thông điệp mà Washington muốn phát đi khá rõ ràng: Trung Quốc nên thực hiện lời hứa của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 9-2015 tại Mỹ, theo đó Bắc Kinh không quân sự hóa khu vực Trường Sa. Mỹ thấy rõ phương án “tằm ăn dâu” của Trung Quốc và chuyến thăm Washington của Tập Cận Bình không đạt được kết quả nào về Biển Đông là có vấn đề và cần phải có động thái “dằn mặt.” 

Hành động điều tàu khu trục của Mỹ tới tuần tra Biển Đông được cho là kiên quyết, nhưng thận trọng và chuyên nghiệp. Giáo sư Carlyle Thayer - chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông - cho rằng Washington cần phải kiên quyết hơn nữa. Thái độ kiên quyết của Mỹ đã được ông Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore nêu bật. Ông giải thích: “Khi dùng đến một tàu khu trục có tên lửa dẫn đường, chứ không phải là một loại tàu nào khác nhỏ hơn, Mỹ đang gửi đi một thông điệp mạnh mẽ”. Thông điệp này, theo chuyên gia Storey, lại càng rõ ràng hơn khi Washington khẳng định sắp tới sẽ tiến hành thêm nhiều chiến dịch tương tự.  

Nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, sứ mệnh tuần tra đã hoàn tất mà không xảy ra sự cố nào. Việc Mỹ sử dụng tàu khu trục USS Lassen cho cuộc tuần tra đầu tiên được coi là một lựa chọn khôn ngoan. Theo tạp chí “The Diplomat” ngày 27-10, tàu khu trục này đang có mặt tại vùng Đông Nam Á, với một thủy thủ đoàn đã có kinh nghiệm “tương tác” với tàu Hải quân Trung Quốc. Việc Mỹ chọn bãi đá Vành Khăn và Subi để thị uy cũng là tính toán có chiến lược. Đây là 2 rạn san hô thuộc diện nửa chìm, nửa nổi trước lúc được Trung Quốc bồi đắp thành đảo nổi, do đó theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, không thể đòi được quyền lãnh hải 12 hải lý. 

Ngoài ra, việc chọn một chiếc tàu như USS Lassen, với thủy thủ đoàn giàu kinh nghiệm cọ sát với tàu Trung Quốc, cũng nhằm đảm bảo cho việc không xảy ra sự cố đáng tiếc do tính toán sai lầm. Các yếu tố nói trên cho thấy chiến dịch của Mỹ đã được lên kế hoạch một cách rất chuyên nghiệp, vừa giúp Mỹ gửi tín hiệu cứng rắn đến Trung Quốc, vừa giảm thiểu nguy cơ 

xung đột. 

Tuy vậy, nếu lồng chiến dịch này vào trong toàn cảnh Biển Đông hiện nay, một số chuyên gia đã tự hỏi rằng liệu có phải Mỹ đã hành động quá muộn? Theo Giáo sư Thayer: “Chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải của Mỹ vừa quá yếu, vừa quá trễ. Lẽ ra Mỹ nên hành động ngay từ năm 2014 khi rõ ràng là Trung Quốc bắt đầu rầm rộ xây đảo nhân tạo. Tuy nhiên, các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải của Mỹ là điều cần thiết để phản bác việc Trung Quốc đòi chủ quyền từ các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp. 

Giáo sư Thayer nhận định Trung Quốc có thể sẽ không trực diện đối đầu với Mỹ tại Biển Đông, nhưng sẽ khuấy động dư luận chống Mỹ, đồng thời tiếp tục củng cố cơ sở trên các đảo nhân tạo để có thể biến những nơi này thành căn cứ quân sự khi có cơ hội. Ông nhận định: “Chiến dịch tuần tra của Mỹ sẽ không cản được Trung Quốc trong việc củng cố cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo. Trung Quốc hoàn toàn có thời gian để quân sự hóa các đảo nhân tạo khi điều đó phù hợp với mục tiêu họ đề ra. Trung Quốc sẽ không dùng tàu hải quân của mình để đối đầu trực tiếp với Mỹ. Trung Quốc sẽ tiến hành chiến tranh thông tin và pháp lý để cố gắng ngăn không cho Mỹ tiếp tục các cuộc tuần tra. Trung Quốc sẽ nhắm vào các quốc gia trong khu vực, khuấy lên nỗi lo ngại rằng Mỹ đang làm mất ổn định khu vực.” 

Trong bối cảnh đó, Giáo sư Thayer cho rằng Mỹ cần phải thay đổi đối sách. Theo ông, Mỹ cần phải thay đổi chủ trương lúc nào cũng tuyên bố không đứng về phe nào trong các tranh chấp lãnh thổ. Washington cần phải tỏ rõ lập trường bảo vệ hiện trạng ở Biển Đông và phản đối các hành động đơn phương có hệ quả chiến lược. Nói tóm lại, Giáo sư Thayer cho rằng Mỹ nên áp dụng chiến lược bắt Trung Quốc phải trả giá để khôi phục nguyên trạng và chống phá mọi nỗ lực đơn phương của Trung Quốc để thay đổi hiện trạng.