Mỹ - Trung "mặt đối mặt" trong sóng dữ khủng hoảng

ANTD.VN - Mỹ và Trung Quốc lên kế hoạch tổ chức cuộc đối thoại an ninh - ngoại giao tại Washington giữa lúc 2 cường quốc này đang lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện từ các vấn đề an ninh quốc phòng tới kinh tế thương mại.

Mỹ - Trung "mặt đối mặt" trong sóng dữ khủng hoảng ảnh 1Quang cảnh cuộc đối thoại an ninh và ngoại giao lần đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tiếp tục là những người chủ nhà đón tiếp và đối thoại trực tiếp với Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa trong cuộc đối thoại an ninh và ngoại giao lần thứ hai vào ngày 9-11 tới tại Thủ đô Washington của Mỹ. Cuộc đối thoại này lẽ ra theo kế hoạch đã diễn ra trong tháng 10 vừa qua, song phải rời lịch sang tháng 11-2018 này trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng chưa từng thấy hàng chục năm qua.

Đối đầu gay gắt nhất là cuộc chiến tranh thương mại đang không ngừng leo thang giữa quốc gia là cường quốc kinh tế số 1 và số 2 của thế giới. Với lý do Trung Quốc thực thi những chính sách “không thể chấp nhận với hàng hóa của Mỹ”, Tổng thống Donald Trump sau khi đắc cử đã liên tiếp dùng thuế quan như một thứ vũ khí chủ yếu nhằm giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc vốn lên tới 376 tỷ USD trong năm 2017.

Mới đây nhất, sau những cú “ra đòn” áp thuế lên số hàng hóa Trung Quốc trị giá vài chục tỷ USD, chính quyền Tổng thống Trump vào trung tuần tháng 9 vừa qua đã gây sốc bằng quyết định áp thuế 10% với các hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Thế nhưng, Trung Quốc chẳng chịu lép vế, đáp trả với việc áp mức thuế tương ứng lên 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời thông báo sẽ đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Cuộc đối đầu khác cũng không kém phần quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trong lĩnh vực an ninh quốc phòng với tiêu điểm là những đụng độ trên Biển Đông.  Chính quyền Tổng thống Donald Trump không những tiếp nối quan điểm của chính quyền tiền nhiệm mà còn triển khai những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm thực hiện cam kết đảm bảo an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Nhiều vụ đụng độ trên biển, trên không đã diễn ra ở Biển Đông mà mới đây nhất là tàu khu trục lớp Lữ Dương II (Type 052C) chạy cắt mặt tàu khu trục USS Decatur của Mỹ đang tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi đắp trái phép trên đá Ga Ven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Những cuộc đối đầu gay gắt trong các lĩnh vực kinh tế thương mại và an ninh quốc phòng chắc chắn sẽ được đặt ra khi các quan chức cấp cao nhất phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Mỹ và Trung Quốc “mặt đối mặt” trên bàn đàm phán tại Washington vào ngày 9-11 tới. Cuộc đối thoại an ninh và ngoại giao lần thứ hai sau cuộc đối thoại đầu tiên vào tháng 6-2017 liệu có giúp Mỹ và Trung Quốc cải thiện mối quan hệ vốn đang rất căng thẳng trong sóng dữ khủng hoảng? Nhìn vào căn nguyên dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay, ai cũng thấy rằng đó là cuộc đối thoại đầy khó khăn và không dễ gì có sự nhượng bộ lớn từ hai phía.