Mỹ - Triều Tiên tiếp tục áp dụng chiến thuật răn đe

ANTD.VN - Những diễn biến mới nhất liên quan đến Bán đảo Triều Tiên một lần nữa cho thấy sự xa cách trong quan điểm giữa hai bên, báo hiệu tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo này sẽ không dễ dàng. 

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Vladivostok trong chuyến thăm chính thức đến Nga

Phát biểu trong cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Vladivostok, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người đang có chuyến thăm chính thức đến Nga, khẳng định hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ trong tương lai của Mỹ. Đây được xem như một động thái của Bình Nhưỡng nhằm gia tăng sức ép, buộc Washington linh hoạt hơn trong cách tiếp cận vấn đề.

Kết quả không thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai ở Hà Nội hồi tháng 2 vừa rồi đặt ra những câu hỏi lớn về việc liệu những bước đi mà Mỹ và Triều Tiên thực hiện có theo đúng những gì mà dư luận dự đoán trước đó. Thực tế cho thấy những cuộc thảo luận marathon trước Hội nghị đã không đưa được hai bên xích lại gần nhau, mà bằng chứng là việc không có thỏa thuận nào được ký kết tại Hà Nội. 

Giờ đây, trong con mắt của Triều Tiên, phía Mỹ vẫn không đáng tin cậy và không thực sự sẵn sàng ngồi giải quyết vấn đề. Việc Triều Tiên yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rút khỏi các cuộc đàm phán trực tiếp về hạt nhân giữa hai nước là tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng không chấp nhận quan điểm Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước khi được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. 

Phát biểu với báo giới, ông Kim Jong-un cảnh báo: “Bằng kiểu tư duy như vậy, Mỹ sẽ không thể khiến chúng ta xê dịch một ly, cho dù họ có gặp chúng ta hàng trăm, hàng nghìn lần, và sẽ không bao giờ có được bất kỳ điều gì mà họ muốn”. Ông Kim Jong-un đã kêu gọi Đảng Lao động cầm quyền “giáng một đòn mạnh vào các thế lực thù địch bên ngoài” bằng cách chống lại các biện pháp trừng phạt.

Trong bối cảnh đó, hai bên đều tìm cách gia tăng sức ép. Trước hết là phía Mỹ, người luôn coi mình ở vị thế bề trên. Từ ngày 22-4, Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận Thần Sấm kéo dài 2 tuần. Trước đây, Washington từng cam kết thay thế Thần Sấm bằng các cuộc diễn tập quy mô nhỏ hơn để tránh kích động Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, không chỉ được khôi phục, cuộc tập trận lần này còn có cả lực lượng của Australia tham gia.

Bên phía Triều Tiên, nước này cũng quay lại chiến thuật răn đe. Trung tuần tháng 4, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử vũ khí mới do đích thân ông Kim Jong-un giám sát. Tuy đây chỉ là loại vũ khí dẫn đường chiến thuật chứ không phải là một thiết bị hạt nhân hay tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, vụ thử là một thông điệp gửi tới Mỹ về rủi ro của việc để đàm phán đổ vỡ. Một quan chức cấp cao của Triều Tiên còn cảnh báo khả năng Bình Nhưỡng có thể thay đổi kế hoạch dừng các vụ thử tên lửa và vũ khí mà nước này thực thi từ năm 2017, trừ phi Mỹ có những nhượng bộ như nới lệnh trừng phạt.

Đi liền với biện pháp quân sự, Triều Tiên cũng gia tăng quan hệ với các đối tác thân thiết để tạo đối trọng với Mỹ. Chuyến thăm của ông Kim Jong-un đến Nga cho thấy Bình Nhưỡng nay không đặt quá nhiều hy vọng vào riêng đối thoại song phương với Mỹ. Sau cuộc hội đàm với ông Kim Jong-un, Tổng thống Nga V.Putin nói với các phóng viên rằng, chỉ những bảo đảm an ninh của Mỹ thôi là không đủ để thuyết phục Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân. Thay vào đó, các nước trong khuôn khổ đàm phán 6 bên (Mỹ - Triều Tiên - Nga - Hàn Quốc - Nhật Bản - Trung Quốc) cũng cần có những bảo đảm an ninh tương tự, mang tính ràng buộc pháp lý và tôn trọng chủ quyền của Bình Nhưỡng.

Ông Kim Jong-un cũng ra thời hạn cho Mỹ từ nay đến cuối năm phải nói rõ Washington muốn gì. Với thái độ cứng rắn của cả Washington và Bình Nhưỡng, chưa ai có thể dự đoán tiến trình hòa giải trên Bán đảo Triều Tiên sẽ đi đến đâu.