Mỹ "thả gà ra đuổi" khi giúp các nước Arab lập hệ thống phòng thủ tên lửa chống Iran?

ANTĐ - Việc Hoa Kỳ tuyên bố muốn giúp các nước thuộc Hội đồng Hợp tác các quốc gia Arab vùng Vịnh tạo lập hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) thống nhất đối phó với Iran được các chuyên gia đánh giá là hành động "thả gà ra đuổi".

 

 

Trong một nỗ lực cố gắng trấn an các đồng minh của mình ở Trung Đông trong vấn đề liên quan đến thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran, Hoa Kỳ đề xuất dành một khoảnhỗ trợ cho các quốc gia Arab thuộc Hội đồng Hợp tác các quốc gia Arab vùng Vịnh tạo lập hệ thống phòng thủ tên lửa toàn khu vực.

Ngày 20-7, tờ Wall Street Journal, dẫn nguồn tin giấu tên trong chính quyền Mỹ lưu ý rằng, song song với việc kêu gọi các nước Arab xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa kiểu Mỹ, Washington cũng đang tìm cách đẩy nhanh tốc độ cung cấp vũ khí đến khu vực Trung Cận Đông.

Thách thức nghiêm trọng hơn cả đối với Mỹ là phòng ngừa những hậu quả tiêu cực từ việc dỡ bỏ trừng phạt và cấm vận vũ khí với Iran cũng như từ việc cung cấp cho Tehran công nghệ tên lửa theo thỏa thuận vừa đạt được giữa Iran và "bộ sáu".

Theo các chuyên gia đánh giá, Mỹ đang vạch các dự án mục tiêu bảo đảm an ninh và hợp tác quân sự với các quốc gia vùng Vịnh. Điều này đã được Washington xúc tiến từ lâu, nhưng trong bối cảnh các đồng minh đang lo lắng về sự phát triển công nghệ tên lửa của Iran, kế hoạch này càng trở nên cấp thiết.

Tên lửa chống hàng không mẫu hạm Khalije Fars (Persian Gulf) của Iran

Các quan chức Mỹ hiện đang nghiên cứu tiềm năng từ hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có của các nước thuộc Hội đồng Hợp tác các quốc gia Arab vùng Vịnh (GCC), để phát triển kế hoạch nâng cấp hiệu quả hơn, nhằm tạo lập một hệ thống NMD thống nhất.

Thời gian qua, Iran đã có những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ tên lửa. Ngoài các hệ thống tên lửa phòng không rất mạnh, các tên lửa tấn công mặt đất, tên lửa chống hạm, đặc biệt là chống hàng không mẫu hạm do Tehran tự nghiên cứu phát triển đã khiến không chỉ các nước Arab mà ngay cả Mỹ cũng phải lo lắng.

Tiêu biểu cho các tên lửa chống hạm hiện có của Iran là loại tên lửa chống hàng không mẫu hạm có uy lực cực lớn được đặt tên là Khalije Fars (Persian Gulf). Loại tên lửa này được chế tạo trên cơ sở tên lửa đạn đạo đất đối đất Conqueror-110.

Conqueror-110 được các kỹ sư của Tehran nghiên cứu, phát triển trên cơ sở tên lửa đạn đạo Đông Phong-11 (DF-11) của Trung Quốc. Phiên bản chống hạm của loại tên lửa này bắt đầu được Iran thử nghiệm đầu năm 2011, đến nay, loại tên lửa này đã bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt.

Theo các phương tiện truyền thông của Iran, loại tên lửa này có tốc độ siêu âm, mang đầu đạn nặng tới 650kg, có khả năng tấn công chính xác tuyệt vời, có khả năng đối phó với mọi phương tiện đánh chặn. Với đầu đạn nặng gấp rưỡi các tên lửa chống hạm khác, Persian Gulf xứng đáng là “sát thủ tàu sân bay”.

Tên lửa hành trình tầm xa Soumar trong lễ ra mắt ngày 19-3-2015

Tháng 3 vừa qua, Iran đã công bố một loại tên lửa hành trình tầm xa rất mạnh mẽ có tên là Soumar. Theo hãng thông tấn Tasnim, tên lửa mới Soumar có và kết cấu hiện đại, hệ thống định vị tiên tiến và công nghệ động cơ đẩy tiên tiến, giúp nó có thể bay ổn định hơn, khả năng xuyên phá mạnh hơn.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Iran Hossein Dehqan còn công bố rằng nước này sẽ sản xuất số lượng lớn hai loại tên lửa đạn đạo tầm xa là Qadr và tầm trung là Qiam cho lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran. 2 loại tên lửa này có khả năng mang được nhiều loại đầu đạn nổ phân mảnh, có sức công phá lớn.

Sự phát triển như vũ bão các dòng tên lửa đạn đạo tầm trung và tên lửa hành trình, đạn đạo chống hạm của Iran đã khiến các nước Arab hết sức lo lắng, đặc biệt là sau khi Mỹ dỡ bỏ trừng phạt và cấm vận vũ khí và cam kết cung cấp cho Tehran công nghệ tên lửa, theo thỏa thuận vừa đạt được giữa Iran và "bộ sáu".

Bởi vậy, những nhà phân tích chính trị đến từ Trung Đông đã coi việc Mỹ hứa giúp các nước trong khu vực này xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa thống nhất toàn khu vực, đối phó với mối đe dọa từ Iran, không khác gì hành động “thả gà ra đuổi”, hết sức nguy hại.