Chiến lược “chống tiếp cận/khu vực cấm”
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, thách thức truyền thống đối với Mỹ chủ yếu xuất phát từ sự uy hiếp của Liên Xô trải dài trên cả 2 lục địa Á – Âu. Sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, hơn 20 năm nay, nó lại bắt nguồn từ các phần tử phiến loạn hoặc chủ nghĩa khủng bố hoặc là bao hàm cả 2 loại này. Hiện tại, song song với tiến trình rút quân khỏi Apganistan, Mỹ bắt đầu đánh mắt sang những đối thủ tiềm tàng mà rất có thể họ phải đối mặt trong tương lai.

Trog vòng vài chục năm tới, sự uy hiếp chủ yếu đến từ chiến lược “chống tiếp cận/khu vực cấm” (A2/AD), đặc biệt là sự tích hợp các hệ thống tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và “hệ thống phòng không tổng hợp” (IADS). Các đối thủ áp dụng lí luận và chiến lược A2/AD dùng các loại tên lửa để tấn công các căn cứ quân sự ở nước Mỹ và ngăn chặn lực lượng hải quân viễn chinh Mỹ tiến vào khu vực tác chiến, sau đó dùng hệ thống ADS đánh bại các đợt tập kích đường không của không quân Mỹ.
Hiện nay, mối đe dọa lớn nhất của chiến lược “chống tiếp cận/khu vực cấm” đến từ tây Thái Bình Dương, mà thách thức lớn nhất là Trung Quốc. Bắc Kinh không chỉ triển khai hàng trăm quả tên lửa đạn đạo có tầm bắn và phạm vi bao trùm tất cả các căn cứ hải quân Mỹ ở khu vực này, mà còn đang đẩy nhanh tốc độ xây dựng hệ thống IADS cực mạnh trên cơ sở kết hợp tên lửa đất đối không 2 lớp và 3 lớp với các biên đội máy bay chiến đấu lớn. Ngoài ra một số quốc gia khác như Iran và Syria cũng đã triển khai hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm xa và đang xây dựng hệ thống IADS dựa trên sự giúp đỡ công nghệ của Nga, thậm chí là Trung Quốc.

Tìm biện pháp xuyên phá
Vì thế, hiện quân đội Mỹ đang rất coi trọng nghiên cứu, tìm tòi các biện pháp khắc chế, có thể đánh bại chiến lược A2/AD. Tuy khả năng Mỹ và Trung Quốc phát sinh va chạm là không cao nhưng Mỹ cũng không thể mất cảnh giác, một khi để Trung Quốc xây dựng hoàn chỉnh chiến lược A2/AD thì Mỹ sẽ rất khó xuyên phá.
Hiện nay, quân đội Mỹ đang hình thành ý tưởng về khái niệm “tác chiến xuyên phá liên hợp” là biện pháp tấn công thọc sâu, trực tiếp phá hủy hệ thống mạng lưới C4ISR chỉ huy và điều khiển A2/AD. Thế nhưng, nếu Mỹ sử dụng biện pháp này họ sẽ vấp phải sự phản kích từ trên không, trên biển và trên mặt đất, lại còn phải bay vào khu vực phòng không của IADS. Trong tương lai gần, các loại máy bay chiến đấu tàng hình B-2, F-35, F-22 và hệ thống tấn công tầm xa sẽ trở thành một trong các phương án được tính đến; máy bay gây nhiễu ngoài khu vực phòng không; máy bay giám sát và tấn công không người lái trên tàu sân bay (UCLASS) và tên lửa hành trình tầm xa cũng giống như vậy.

Nhưng về lâu dài, không có loại vũ khí nào sánh được với các thiết bị bay siêu thanh có khả năng tấn công các điểm phóng tên lửa đạn đạo và hệ thống IADS. Theo các nhà khoa học, vận tốc siêu thanh được tính từ Mach 5 trở lên, tức là tương đương hơn 6000 km/h.
Trước tiên Mỹ sẽ sử dụng các vũ khí siêu thanh triển khai trên các phương tiện tàng hình, đồng thời tiến hành chiến tranh điện tử và tấn công trên không gian mạng để đánh bại IADS của đối thủ, sau đó mới dùng các vũ khí có tốc độ chậm hơn và khả năng tàng hình kém hơn để tấn công trong giai đoạn tiếp theo.
Tính khả thi của các dự án máy bay siêu thanh
Hiện cả 3 lực lượng hải quân, không quân và Bộ tư lệnh lực lượng phòng thủ tên lửa và vũ trụ (SMDC) Mỹ cũng đều có các chương trình nghiên cứu, thử nghiệm thiết bị bay siêu thanh của riêng mình. Tính ra, tổng chi phí của cả 3 lực lượng này đã vượt quá 2 tỷ USD nhưng hiệu quả chưa được bao nhiêu.

Trong 3 dự án đó, thiết bị bay X-51 Waverider Scramjet của không quân Mỹ chỉ thành công với lần phóng đầu tiên ngày 26/05/2010, X-51 đã bay tiệm cận vận tốc Mach5 trong thời gian 3 phút. Lần thử nghiệm thứ 2 năm 2011, X-51 đã không thành công trong khởi động lại động cơ và lần 3 vào ngày 14/08 mới đây, tên lửa đã bị rơi chỉ sau 16s vì mất điều khiển cánh vây. X-51A của không quân Mỹ sử dụng động cơ phản lực tĩnh siêu âm Scramjet do hãng Pratt & Whitney Rocketdyne chế tạo.
Dự án chế tạo thiết bị bay HTV-2 của hải quân Mỹ với vận tốc dự kiến là Mach 20 đã thất bại thảm hại trong cả 2 lần thử nghiệm. Còn thiết bị bay AHW (Advanced Hypersonic Weapon) do Bộ tư lệnh lực lượng phòng thủ tên lửa và vũ trụ (SMDC) Mỹ kết hợp với Bộ tư lệnh lực lượng chiến lược (ARSTRAT) nghiên cứu, chế tạo đã thành công nhưng chỉ mới chạm ngưỡng siêu thanh với vận tốc đúng bằng Mach 5 trong lần thử nghiệm đầu tiên ngày 17/11/2011.

Thế nhưng, tia hy vọng đã lóe lên đối với không quân Mỹ. Vào giữa tháng 9 vừa qua, chương trình nghiên cứu, thử nghiệm thiết bị bay quốc tế (Hypersonic Flight International - HIFiRE) do phòng nghiên cứu, thực nghiệm không quân Mỹ phối hợp với Tổ chức khoa học công nghệ Australia (DOSTO) sử dụng động cơ của hãng Rolls-Royce đã đạt được thành công đáng khích lệ, thiết bị bay đã đạt vận tốc cực đại Mach 8 (tương đương 10.000 km/h), phá vỡ mọi giới hạn tốc độ từ trước đến nay.
Thiết bị bay thử nghiệm được phóng đi từ bãi phóng tên lửa thám không Andoya của Na Uy, nó đã đạt tới độ cao cực đại 350 km, sau đó bổ nhào xuống và tiếp tục hành trình bay. Tại khoảng độ cao từ 20,5 km đến 32 km, thiết bị bay đã đạt vận tốc cực đại ở Mach 8. Mặc dù còn có một số thiết bị bay khác được chế tạo với tốc độ cao hơn, nhưng đó là trên lí thuyết, còn trên thực tế chưa có loại nào thử nghiệm thực địa thành công tới Mach 8 như thiết bị này. Các chuyên gia của Australia và Mỹ đều cho rằng, đợt thử nghiệm thành công này là một cột mốc quan trọng trong việc phát triển thiết bị bay siêu thanh.

Không quân Mỹ dự định, trước năm 2020 sẽ hoàn tất quá trình chế tạo một loại vũ khí tấn công tốc độ siêu thanh và đến năm 2030 sẽ chế tạo thành công máy bay siêu thanh có khả năng đảm nhận nhiệm vụ trinh sát, giám sát, tình báo (ISR) và tấn công để chuyên đối phó với A2/AD.