- “Ngán” tin tặc, hãng Sony công chiếu bộ phim gây tranh cãi...trên mạng
- Mỹ quả quyết Triều Tiên là thủ phạm tấn công mạng Sony
- Triều Tiên tức giận gọi Mỹ là “con sói không răng“
Mặc dù Mỹ đã chia sẻ thông tin tình báo về các hoạt động của Triều Tiên với Hàn Quốc và Nhật Bản một cách riêng rẽ, tuy nhiên, thoả thuận này vẫn đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hợp tác giữa 3 nước.
Mỹ, Nhật, Hàn Quốc sẽ cùng chia sẻ thông tin do thám về Triều Tiên
Do những căng thẳng trong lịch sử về chính sách thuộc địa của Nhật Bản với bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945, việc chấp nhận trao đổi thông tin tình báo giữa Tokyo và Seoul được cho là một dấu hiệu khởi sắc trong quan hệ song phương của 2 cường quốc châu Á.
Theo thoả thuận dự kiến được kí vào hôm 29-12, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ chia sẻ thông tin về chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. “Thoả thuận này không có nghĩa là sẽ chia sẻ các bí mật quân sự rộng rãi. Thay vì việc gửi thông tin thẳng tới Nhật, chúng tôi sẽ cung cấp gián tiếp cho Mỹ và nếu được chấp nhận, nó sẽ được chuyển tiếp cho Nhật và ngược lại”, đại diện Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay.
Mỹ, gần đây, đã tăng cường quan hệ hợp tác với các đồng minh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi hiện đang có nhiều quan ngại về Triều Tiên và Trung Quốc. Một vài động thái có thể kể đến như việc Mỹ triển khai thêm hệ thống radar chống tên lửa thứ 2 ở Nhật vào tháng 10-2014 hay ký thoả thuận triển khai các máy bay do thám không người lái đến nước này vào năm 2013.
Trước việc Triều Tiên tuyên bố sẽ tiếp tục tiến hành thử hạt nhân, Hàn Quốc tin rằng Bình Nhưỡng đã đạt được tiến bộ trong việc phát triển và sản xuất các loại tên lửa hạt nhân có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ, hay các căn cứ quân sự Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản.
Trên thực tế, bán đảo Triều Tiên hiện vẫn đang trong thời chiến do cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 chỉ tạm kết thúc với hiệp định đình chiến.