Mỹ lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa Trung Quốc

ANTĐ - Ngày 28-9, Mỹ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác sản xuất một hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tầm xa với một công ty Trung Quốc vốn đang nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ.

Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của liên minh quân sự NATO, trong tuần qua đã tuyên bố quyết định lựa chọn hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa HQ-9 (phiên bản xuất khẩu là FD-2000) của Công ty xuất- nhập khẩu Cơ khí chính xác của Trung Quốc (CPMIEC) thay vì những hệ thống phòng không của Nga, Mỹ và Châu Âu.

CPMIEC hiện đang bị Mỹ cấm vận do có những giao dịch với Iran, Triều Tiên và Syria vi phạm Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí của Liên Hợp Quốc.

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu: "Chúng tôi đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận hợp đồng này với một công ty bị Mỹ trừng phạt phát triển một hệ thống phòng thủ tên lửa có khả năng sẽ không tương thích với các hệ thống và khả năng phòng thủ tập thể của NATO."

“Các cuộc thảo luận của chúng tôi về vấn đề này sẽ tiếp tục được tiến hành,” bà khẳng định.

Hệ thống phòng không HQ-9 của Trung Quốc

Các nhà phân tích quốc phòng và các đồng minh phương Tây đã tỏ ra hết sức ngạc nhiên về quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn hệ thống phòng không của CPMIEC thay vì hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do công ty Raytheon của Mỹ sản xuất hay hệ thống phòng không S-300 của Nga và SAMP/T SAM của công ty Eurosam, một liên doanh giữa Pháp và Italia.

Mỹ, Đức và Hà Lan, các thành viên khác của NATO, mỗi nước đều đã triển khai 2 khẩu đội tên lửa Patriot cùng 400 quân đến để vận hành hệ thống phòng thủ tên lửa này, được triển khai ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu năm nay sau khi nước này đề nghị NATO tăng cường khả năng phòng không chống lại nguy cơ tấn công tên lửa từ Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã trở thành đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Quân đội Mỹ đã có ảnh hưởng lớn đối với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng chi phối nhiều đến chính trường trong nước.