Mỹ không loại trừ khả năng đưa quân đội trở lại Iraq

ANTĐ - Với việc cho rằng tổ chức Nhà nước Hồi giáo nguy hiểm hơn nhiều so với Al-Qaeda, nhà Trắng đang tìm sự ủng hộ trong nước để được cho phép sử dụng quân sự không giới hạn, chống lại các phần từ Hồi giáo dòng Sunni ở Iraq và Syria.

Vào hôm 22/8, chính quyền Obama đã lên tiếng cho rằng việc IS sát hại phóng viên người Mỹ James Foley được cho là hành động khủng bố trực tiếp chống lại Mỹ.

Điều này cũng chỉ diễn ra một ngày sau khi bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel nhấn mạnh rằng, tổ chức khủng bố IS là lực lượng được xây dựng bài bản và có nguồn lực tài chính mạnh mẽ, vượt qua mọi thứ mà chúng ta đã từng trải qua, do đó, Mỹ cần phải chuẩn bị mọi phương án đối phó.

Hiện nay, nhà Trắng đang muốn tìm một sự ủng hộ trong nước về việc cho phép tiến hành các hành động quân sự và quốc hội là cơ quan có khả năng thực hiện điều này, một quan chức cấp cao trả lời với trang Washington Post.

Lần cuối Quốc hội cho phép hành động tương tự là vào năm 2001, khi chính phủ Mỹ đề nghị được chống lại tổ chức khủng bố Al-Qaeda sau vụ khủng bố 11/9 và sau đó tiến tới lật đổ chính quyền tổng thống Saddam Husein năm 2002.

Những lựa chọn khác của chính phủ và quốc hội Mỹ để đối phó với tổ chức IS, cũng sẽ được bàn luận, bao gồm: đề nghị quyền được bảo vệ người dân Mỹ trên các lãnh thổ được IS chiếm đóng, thực hiện các hoạt động quân sự chớp nhoáng và tổ chức một chiến dịch quân sự quy mô lớn để chống lại lực lượng IS đến cùng.

Ngoài ra, Mỹ cũng không loại trừ khả năng sẽ không kích và thực hiện các hành động quân sự khác cả ở Syria.

Hiện nay, Mỹ vẫn đang có kế hoạch thực hiện tiếp các cuộc không kích bằng máy bay vào các vị trí của IS ở Iraq trong 60 ngày tới đến tháng 10. Điều này được giải thích là để giúp những người Kurd ở lực lượng quân đội Iraq lấy lại đập Mosul từ tay phiến quân IS.

Chính quyền Obama có thể sẽ tiến xa hơn trong các biện pháp đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo

Theo thông tin từ trang Washington Post, chính quyền Obama có thể tiến xa hơn, ngay cả trong việc không kích, máy bay sẽ nhắm vào các mục tiêu quan trọng hơn của lực lượng IS. Bên cạnh đó, Washington cũng cung cấp thêm vũ khí và huấn luyện cho người Kurd hay quân đội Iraq.

Ngoài việc đang xây dựng một chính sách lâu dài với các nhóm khủng bố, chính phủ Mỹ được cho là đang cố kéo phiến quân Hồi giáo từ Iraq trở lại Syria, nơi Mỹ vẫn đang chống lại lực lượng của tổng thống Syria Bashar Assad.

Cuộc nội chiến ở Syria được cho là đẫm máu nhất thế giới trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, các tay súng Hồi giáo được cho là xương sống của tổ chức IS vẫn không thể lật đổ được chính quyền tổng thống Assad do rất nhiều người dân vẫn ủng hộ người lãnh đạo hợp pháp của Syria.