Mỹ đứng trước sự lựa chọn khó khăn trong cuộc chiến kinh tế chống lại Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuộc chiến kinh tế chống Nga bị đánh giá gây ra nhiều rắc rối cho Mỹ cũng như đồng minh không kém gì tác động lên Matxcơva.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền thông Mỹ, nhà kinh tế học Stanislav Mitrakhovich cho biết, Mỹ đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn trong cuộc chiến kinh tế chống lại Nga. Mỹ và các đồng minh ở châu Âu tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Liên bang Nga và điều đó ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nhiên liệu: Washington đã áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ hoàn toàn và Brussels tham gia một phần. Do đó giá năng lượng đã nhanh chóng tăng vọt và Nhà Trắng đang cố gắng tìm giải pháp cho vấn đề này. Mỹ bắt đầu giải phóng một triệu thùng dầu mỗi ngày từ nguồn dự trữ chiến lược, nhưng dường như không mang lại kết quả đáng kể.

Để tác động đến giá cả, Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định thực hiện một bước đi chưa từng có - đến thăm Saudi Arabia với yêu cầu tăng sản lượng dầu, tuy nhiên, các phương tiện truyền thông dự đoán Tổng thống Mỹ sẽ thất bại trong cuộc đàm phán. Trong khi đó, Mỹ dường như đã để ý đến một quốc gia giàu dầu mỏ khác là Iran. Theo Đại diện Cấp cao về Đối ngoại của EU Josep Borrell, các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) sẽ sớm được nối lại giữa Washington và Tehran, Liên minh châu Âu sẽ nỗ lực hỗ trợ.

Trước diễn biến trên, ông Stanislav Mitrakhovich - chuyên gia từ Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia và là giảng viên Đại học Tài chính thuộc Chính phủ Liên bang Nga, đã lưu ý trong một cuộc phỏng vấn với tờ PolitExpert, sau khi nối lại thỏa thuận hạt nhân, Mỹ có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, từ đó cho phép Iran đưa dầu của mình ra thị trường thế giới để tác động đến giá cả. “Nếu Mỹ ký thỏa thuận hạt nhân với Iran, về mặt lý thuyết, khoảng 1 - 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày có thể gia nhập thị trường thế giới, nhưng không phải ngay lập tức mà phải dần dần”, chuyên gia Mitrakhovich nói. Khối lượng dầu bổ sung có thể giúp Washington trong cuộc chiến kinh tế chống lại Matxcơva. Tuy nhiên, theo ông Mitrakhovich, thỏa thuận hạt nhân với Iran khiến Mỹ đứng trước một lựa chọn khó khăn.

Thực tế là Saudi Arabia có thái độ tiêu cực trước việc nối lại các cuộc đàm phán này. “Nếu thỏa thuận được thông qua, Mỹ sẽ mất đi sự hỗ trợ rất cần thiết của các nhà chức trách Riyadh. Mỹ sẽ không thể đồng thời ký kết một thỏa thuận với Iran và đồng ý với các nước Ả Rập để tăng sản lượng dầu. Đây là hai chiến lược trái ngược nhau, khó có thể kết hợp”, vị chuyên gia kinh tế giải thích. Đồng thời, nếu dầu Iran thâm nhập vào thị trường thế giới, thực tế sẽ không ảnh hưởng đến giá cả, ông Mitrakhovich cho rằng mọi thứ sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của các khách hàng lớn.

“Nếu Trung Quốc dỡ bỏ lệnh phong tỏa ở Thượng Hải vào thời điểm dầu Iran thâm nhập thị trường thì tất cả nhiên liệu sẽ được tiêu thụ nhanh chóng do nhu cầu tăng lên. Tôi không nghĩ rằng một thỏa thuận với Iran sẽ thay đổi hoàn toàn tình hình dầu mỏ trên thế giới”, nguồn tin cho biết. Theo chuyên gia này, châu Á sẽ trở thành nơi tiêu thụ hydrocacbon chính của Iran. Đồng thời, Nga sẽ không mất người mua trong khu vực, vì nước này biết cách “chơi trên thị trường” với sự trợ giúp của việc giảm giá năng lượng. Có thể một phần dầu cũng được chuyển đến phương Tây nếu Mỹ bắt đầu cải thiện nhanh chóng quan hệ với Iran. Washington sẽ không từ chối nguồn cung cấp bổ sung, vì thiệt hại từ lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga khá nặng nề.