Mỹ đưa tàu phòng thủ tên lửa vào Biển Đen “thúc đẩy hòa bình”

ANTĐ - Hạm đội 6 của hải quân Mỹ vừa thông báo, chiếc tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Ross (DDG 71) sẽ đi vào Biển Đen vào ngày 23-5, để "thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực".

USS Ross là một trong 3 chiếc tàu khu trục phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) lớp Arleigh Burke được triển khai tại châu Âu mà một quan chức ngoại giao Nga vừa cho là đang đe dọa đến an ninh của nước này.

"Sự hiện diện của tàu USS Ross ở Biển Đen sẽ tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với việc tăng cường quan hệ đối tác và khả năng tác chiến chung giữa các đối tác NATO và khu vực Biển Đen", hạm đội trên cho biết trên website.

Trong khi đó, hạm trưởng tàu USS Ross, Trung tá Tadd Corman tuyên bố: "Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác để tăng cường an ninh hàng hải, khả năng sẵn sàng chiến đấu và thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Ross của Mỹ

Hải quân Mỹ triển khai các tàu chiến hoạt động tại Biển Đen theo Công ước Montreux và Luật quốc tế. Công ước này quy định "các tàu chiến của các quốc gia không thuộc Biển Đen sẽ không hoạt động liên tục ở Biển Đen quá 21 ngày, cho dù với bất cứ mục đích gì".

Trước đó, trong tháng 4, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Jason Dunham cũng đã được triển khai tới Biển Đen với cùng một mục đích như của tàu USS Ross.

Trong 1 năm qua, các tàu chiến Mỹ, gồm USS Mount Whitney, USS Taylor, USS Truxtun, USS Donald Cook, USS Vella Gulf, USS Ross, USS Gunston Hall, và tàu USS Cole đã thay nhau triển khai hoạt động tại Biển Đen, một động thái được cho là nhằm gây sức ép và đối phó với Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea và can thiệp vào tình hình tại miền đông Ukraine.