Mỹ có đặt lên bàn thứ mà Triều Tiên muốn?

ANTD.VN - Triều Tiên ngày 4-7 tuyên bố đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đầu tiên, đánh dấu một bước tiến lớn trong chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này. Sự kiện này cũng là một minh chứng nữa cho thấy Triều Tiên hoàn toàn bất chấp những mong đợi của Mỹ và cộng đồng quốc tế, gây ra rất nhiều quan ngại.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đích thân chỉ đạo vụ phóng tên lửa Hwasong-12 ngày 14-5

Tuyên bố của Triều Tiên    

Đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra lệnh tiến hành và thị sát vụ phóng thử tên lửa này. Tên lửa thử nghiệm được công bố là Hwasong-14, bay được khoảng 933km, đạt độ cao 2.802km, với hành trình bay kéo dài 39 phút trước khi rơi xuống Vùng Đặc quyền Kinh tế của Nhật Bản. Triều Tiên tuyên bố đang nỗ lực phát triển khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp vào tên lửa đủ sức tấn công các mục tiêu trên đất Mỹ, điều mà Tổng thống Donald Trump hồi đầu tháng 1-2017 tuyên bố là bất khả thi. 

Các quan chức Mỹ phát biểu với Hãng truyền hình Fox News và NBC họ tin rằng tên lửa được phóng thử ngày 4-7 (giờ địa phương) là ICBM, đánh dấu bước ngoặt đáng lo ngại trong chương trình phát triển tên lửa của Bình Nhưỡng. CNN dẫn lời các quan chức cho biết nhiều khả năng đây là một ICBM hai tầng. 

Mỹ hiện đã soạn thảo xong một dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về việc tăng cường trừng phạt Triều Tiên và đã gửi văn kiện này cho phía Trung Quốc. 

Giới chuyên gia nhận định

Ông David Wright, đồng Giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu thuộc Liên đoàn các nhà khoa học (Mỹ) cho rằng thời gian và khoảng cách mà tên lửa bay được cho thấy nó hoàn toàn có thể di chuyển trên quãng đường lên tới 6.700km, khiến Alaska trở thành một trong những mục tiêu nằm trong phạm vi tấn công của tên lửa này. 

Chuyên gia về tên lửa John Schilling, làm việc cho chương trình giám sát Triều Tiên 38 North cho rằng vụ phóng thử diễn ra sớm hơn và thành công hơn kỳ vọng. Theo ông John Schilling, khoảng thời gian mà Triều Tiên có thể đạt những tiến bộ “tối thiểu” trong chương trình ICBM là từ 1 tới 2 năm, có nghĩa là trong khoảng thời gian ấy, Triều Tiên có thể sở hữu một ICBM tác chiến đủ để tấn công Washington.

“Thời gian và khoảng cách mà tên lửa bay được cho thấy nó hoàn toàn có thể di chuyển trên quãng đường lên tới 6.700km, khiến Alaska trở thành một trong những mục tiêu nằm trong phạm vi tấn công của tên lửa này”.

Ông David Wright, (Đồng Giám đốc Chương trình An ninh Toàn cầu, Liên đoàn các nhà khoa học, Mỹ) 

Ông Schilling cũng cho rằng nhiều khả năng vụ phóng thử này chưa thể nói hết về khả năng mà Bình Nhưỡng có thể đạt được. Chuyên gia John Schilling nhấn mạnh: “Tên lửa này cho thấy nó hoàn toàn có thể bay tới những vùng lãnh thổ xa hơn vùng Anchorage (Alaska), hoặc thậm chí là Trân Châu Cảng, song chưa đủ để tấn công các mục tiêu nằm ở Bờ biển phía Tây nước Mỹ”.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng điều đáng lo ngại là khả năng hoạt động của hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ triển khai hiện khá giới hạn và họ sẽ phải mất hơn 2 năm để nâng cấp trang thiết bị nhằm tăng cường khả năng phòng vệ. 

Cách thức đáp trả của Mỹ?

Theo trang mạng vox.com, vụ thử cũng là một ví dụ nữa cho thấy Triều Tiên hoàn toàn bất chấp những mong đợi của Mỹ và cộng đồng quốc tế. Và giờ đến lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump phải quyết định cách thức đáp trả của mình. Tuy nhiên, các giải pháp mà ông có thể lựa chọn nhìn chung vẫn tương tự như những gì những người tiền nhiệm của ông đã có: Tấn công quân sự - Giải pháp ngoại giao - Trừng phạt kinh tế. Chuyên gia về Triều Tiên Sheena Greitens thuộc trường Đại học Missouri nhận xét: “Chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên đã không thành công trong các thập kỷ qua. Giờ chúng ta đang chứng kiến hậu quả của nó”.

Việc Mỹ tấn công Triều Tiên chưa chắc đã phá hủy được kho vũ khí của Triều Tiên, cũng không ngăn được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trả đũa bằng pháo tầm xa nhằm vào các đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản. Cuộc tấn công đó sẽ làm chết hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn người, bao gồm cả quân đội Mỹ đóng ở hai quốc gia này, trước cả khi vũ khí hạt nhân được mang ra sử dụng. Một cuộc xung đột toàn lực sẽ xảy ra. Người đứng đầu Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Jim Mattis nói rằng: “Dù Mỹ có thắng thế thì đó cũng sẽ là một cuộc chiến thảm khốc”.

Tướng Vincent Brooks, chỉ huy quân đội Mỹ ở Hàn Quốc cho rằng căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên đang lên cao và cái duy nhất giữ hai bên chưa chiến tranh là “tự kiềm chế”. Có khoảng 23.500 lính Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc và phần nhiều nằm trong tầm pháo Triều Tiên. Nếu Mỹ lo ngại Triều Tiên hành động trước, nước này có thể tấn công phủ đầu đối với Triều Tiên.

Tuy nhiên, Triều Tiên có kho đạn pháo lớn nhất thế giới, với khoảng 8.000 hệ thống phóng đạn và súng đại bác đặt ở khu vực phi hạt nhân giữa hai miền Bắc - Nam và có thể sử dụng để tấn công Thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Nước này cũng có thể dùng tên lửa tầm ngắn tấn công Thủ đô Tokyo và các khu vực thành thị khác của Nhật Bản, chỉ trong vòng 10 phút sau cảnh báo. 

 Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên 

Cái giá phải trả 

Chỉ một cuộc chiến đấu giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên cũng đã là quá đủ. Một cuộc tấn công của Triều Tiên có thể làm 100.000 người ở Seoul chết chỉ trong một vài ngày đầu tiên. Đó là chưa nói tới khả năng cuộc chiến gây ra một cuộc khủng hoảng người tị nạn quy mô lớn, với hàng triệu người sẽ chạy sang Trung Quốc. Đó là điều Trung Quốc chắc chắn không muốn. Trung Quốc ưu tiên sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên và điều này giúp giải thích tại sao nước này không hề muốn làm đảo lộn thực trạng ở Triều Tiên.

Trung Quốc lo ngại bất cứ thay đổi nào cũng có thể gây ra các rắc rối cho Chính phủ của mình. Bởi thế một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên sẽ gây nguy hiểm do những gì Triều Tiên có thể làm để trả đũa. Hơn nữa, chưa chắc nó đã mang lại tác dụng như mong muốn. Lý do là bởi nhiều cơ sở hạt nhân Triều Tiên nằm sâu dưới lòng đất hay trong hang. Thêm vào đó, Mỹ và các đồng minh không rõ những tên lửa mang đầu đạn hạt nhân nằm ở chỗ nào. Một số được giấu kín và số khác được đặt trên các bệ phóng di động có thể được chuyển đi nếu Triều Tiên cảm thấy sắp bị tấn công. 

“Tên lửa này cho thấy nó hoàn toàn có thể bay tới những vùng lãnh thổ xa hơn vùng Anchorage (Alaska), hoặc thậm chí là Trân Châu Cảng, song chưa đủ để tấn công các mục tiêu nằm ở Bờ biển phía Tây nước Mỹ”.

Ông John Schilling (Chuyên gia về tên lửa, Chương trình Giám sát Triều Tiên 38 North)

Với các giải pháp ngoại giao, nước Mỹ sẽ phải cố đạt được một thỏa thuận nào đó với Triều Tiên để hoặc là từ bỏ chương trình tên lửa, hạt nhân của mình, hay tối thiểu cũng là ngừng phát triển nó. Trong nhiều thập kỷ qua, Triều Tiên chưa bao giờ tỏ ý quan tâm theo đuổi bất cứ kiểu thỏa thuận nào, kiên quyết phá bỏ các thỏa thuận với Mỹ và các nước đối tác và công khai xúc tiến các nỗ lực tên lửa và hạt nhân của mình. 

Còn trừng phạt sẽ là áp đặt các hình phạt kinh tế cho tới khi Bình Nhưỡng phải rút ra kết luận rằng cái giá phải trả để tiếp tục các chương trình vũ khí đó là quá cao. Tuy nhiên, nhiều thứ mà Triều Tiên mong muốn và đang cần, như vũ khí và nhiên liệu, cũng đã bị Mỹ cấm vận, vậy mà đất nước này vẫn không thay đổi.

Theo vox.com, các lựa chọn cho ông Donald Trump khá nghèo nàn và đầy mạo hiểm. Và câu hỏi trước mắt là liệu ông có thể tránh làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn hay không. Cho tới giờ, chính quyền của ông Donald Trump vẫn tránh các giải pháp quân sự. Cách tiếp cận mới đây vẫn là kết hợp biện pháp ngoại giao và trừng phạt được gọi là “áp lực và can dự tối đa”. Rõ ràng, chiến lược này tới giờ chưa có tác dụng.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, nó cũng chưa hiệu quả cả trong thời các chính quyền trước. Vox.com dẫn lời chuyên gia về Triều Tiên Kelsey Davenport thuộc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí cho rằng ngoại giao có cơ hội thành công nhất, song cái giá phải trả đối với Mỹ sẽ rất cao, nó đòi hỏi Mỹ phải đặt lên bàn thứ mà Triều Tiên muốn.