Mỹ chạy đua thử nghiệm tên lửa mới, có thể nhằm ứng phó với Trung Quốc

ANTD.VN - Quan chức quân sự Mỹ ngày 1-8-2019 cho biết, Lầu Năm góc sẽ phóng thử tên lửa hành trình phi hạt nhân mới, chỉ vài tuần sau khi rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Động thái này đã khiến nhiều người lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang mới.

Việc triển khai tên lửa mới của Mỹ có thể sẽ nhằm ứng phó với kho vũ khí của Trung Quốc  (Trong ảnh: các phương tiện quân sự mang tên lửa đạn đạo diễu hành qua Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 2015)

Nguy cơ chạy đua vũ trang

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh rút khỏi Hiệp ước kiểm sát vũ khí tối quan trọng từ thời Chiến tranh lạnh với cáo buộc Nga vi phạm những điều khoản trong thỏa thuận. Hành động này của Washington đã làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ đang chuẩn bị bước vào một cuộc chạy đua vũ trang mới. Đặc biệt là Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) sẽ hết hạn trong 2 năm tới và khả năng cao sẽ không được gia hạn thêm.

Quả thực, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton ngày 31-7-2019 thông báo sự kết thúc của INF vào ngày 1-8-2019, đồng thời khẳng định Washington không gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) khi nó hết hiệu lực vào năm 2021. Đây vốn được coi là hai hiệp ước kiểm soát vũ khí đặc biệt quan trọng đối với hai cường quốc quân sự là Nga và Mỹ cũng như đối với toàn cầu nhằm ngăn chặn nguy cơ đối đầu và chạy đua vũ trang. 

Cùng với thời điểm nguy cơ xảy ra đối đầu hạt nhân với Triều Tiên và Iran tăng cao, quyết định từ bỏ Hiệp ước kéo dài 32 năm qua của Mỹ đã thúc đẩy những mối lo ngại mới đối với châu Âu và châu Á đồng thời  cảnh báo sự trở lại của một thời kỳ chạy đua vũ trang tưởng như đã khép lại trong quá khứ. Sự hồi sinh của địa chính trị hạt nhân đã xuất hiện trong cuộc tranh luận của Đảng Dân chủ của Mỹ vào tối 30-7-2019 vừa qua, khi những câu hỏi lớn được đặt ra là có nên từ bỏ sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai hay không.

Không những vậy, đối với Nga, việc hủy bỏ hiệp ước cũng gây ra những tác động không nhỏ. Hôm 1-8-2019, sau khi thông báo rút khỏi hiệp ước tên lửa và đổ lỗi về cho phía Nga, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với báo giới rằng Nga và Mỹ có thể tiến tới một thỏa thuận hạt nhân. Nhưng sau đó, người ta cho rằng cái mà Tổng thống Mỹ đang nhắc tới là một hiệp ước lớn hơn có liên quan tới Trung Quốc.

Với Mỹ, Trung Quốc "đáng gờm" hơn cả Nga

Khác với những ý kiến cho rằng động thái trên của Mỹ để nhằm trả đũa Nga, mục tiêu Mỹ nhắm tới lần này có thể là Trung Quốc, nơi đã tích trữ một kho lớn vũ khí và tên lửa. Với Mỹ hiện nay, Trung Quốc đã được xem là một đối thủ còn đáng gờm hơn cả Nga.

Trên thực tế, nhiều người cho rằng Trung Quốc là một trong những lý do khiến Mỹ quyết định rút khỏi hiệp ước tên lửa INF nói trên. Các chuyên gia đánh giá rằng Trung Quốc là quốc gia có kho vũ khí tên lửa tiên tiến bậc nhất thế giới, có trụ sở trên khắp đại lục. Trước đó, khi hiệp ước INF của Mỹ - Nga đi vào hiệu lực năm 1987, kho vũ khí của Trung Quốc mới còn rất thô sơ, thậm chí không đủ tiêu chuẩn để đánh giá.

Kho vũ khí khổng lồ của Trung Quốc hiện nay được cho là có tới hàng trăm tên lửa được đặt ở Đông Nam Trung Quốc có phạm vi “vươn” tới Đài Loan. Ngoài ra, còn nhiều tên lửa khác có khả năng tấn công Nhật Bản, Ấn Độ, lãnh thổ đảo Guam của Mỹ và các mục tiêu tiềm năng khác. Về phía Trung Quốc, các quan chức nước này cũng không chịu nhún mình trước bất kỳ thỏa thuận nào nhằm giới hạn kho vũ khí của họ. Các quan chức Trung Quốc cho rằng kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga mới lớn mạnh và là mối đe dọa hàng đầu. 

Tàu chiến Mỹ khai hỏa tên lửa hành trình Tomahawk trong một cuộc diễn tập

Mỹ thử nghiệm nhiều loại tên lửa mới

Mới đây, chính quyền Tổng thống Mỹ đã quyết định thử nghiệm vũ khí tên lửa mới, điều này đã vi phạm nghiêm trọng những điều khoản trong hiệp ước INF nói trên. Theo tiết lộ của các quan chức Mỹ và Lầu Năm góc hôm 2-8-2019, một cuộc thử nghiệm tên lửa tầm trung mới của nước này sẽ diễn ra trong vài tuần tới đây. 

Thử nghiệm đầu tiên, có lẽ sớm nhất là trong tháng này, dự kiến sẽ là cuộc thử nghiệm phiên bản của một tên lửa hành trình phóng từ biển có tên Tomahawk. Nó sẽ được sửa đổi để được phóng lên từ mặt đất. Nếu thành công, các tên lửa hành trình phóng từ mặt đất đầu tiên có thể được triển khai trong vòng 18 tháng hoặc lâu hơn - nếu Mỹ có thể tìm thấy một quốc gia sẵn sàng hỗ trợ cho việc thử nghiệm và sản xuất tên lửa. 

Theo sau đó là thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo di động phóng từ mặt đất với tầm xa từ  2800 - 3200km. Nhưng đó sẽ là một tên lửa hoàn toàn mới, và có khả năng phải mất hơn 5 năm mới có thể đi vào hoạt động - có nghĩa là phải tới tận khi kết thúc nhiệm kỳ hai của Tổng thống Trump nếu ông được bầu lại.

Vấn đề của Mỹ hiện nay là tìm một nơi để tiến hành thử nghiệm của mình. Theo ông Gary Gary Samore, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông của Đại học Brandeis và là chiến lược gia hạt nhân tại Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Obama, châu Âu chắc hẳn không phải một điểm đến dành cho Mỹ, còn tại châu Á, hai quốc gia có tiềm năng trở thành địa điểm để Mỹ tổ chức các buổi thử nghiệm của mình là Nhật Bản và Hàn Quốc, song nếu Mỹ thật sự lựa chọn 2 địa điểm này có khả năng sẽ khiến căng thẳng với Trung Quốc leo thang.

Những động thái trên của Mỹ đã cho thấy rõ sự đối đầu giữa nước này với Trung Quốc. Một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Mỹ - Trung đang có nhiều khả năng xảy ra khiến thế giới lo ngại.  

"Trên thực tế, nhiều người cho rằng Trung Quốc là một trong những lý do khiến Mỹ quyết định rút khỏi hiệp ước kiểm soát tên lửa tầm ngắn và tầm trung INF. Khác với những ý kiến cho rằng động thái trên của Mỹ để nhằm trả đũa Nga, mục tiêu Mỹ nhắm tới lần này có thể là Trung Quốc, nơi đã tích trữ một kho lớn vũ khí và tên lửa. Với Mỹ hiện nay, Trung Quốc đã được xem là một đối thủ còn đáng gờm hơn cả Nga.

Các chuyên gia đánh giá rằng Trung Quốc là quốc gia có kho vũ khí tên lửa tiên tiến bậc nhất thế giới, có trụ sở trên khắp đại lục. Về phía Trung Quốc, các quan chức nước này cũng không chịu nhún mình trước bất kỳ thỏa thuận nào nhằm giới hạn kho vũ khí của họ".