Mỹ chặn "cá mập trắng" công nghệ Huawei

ANTD.VN - Tiếp theo hai nhà mạng di động AT&T và Verizon Communications, chuỗi bán lẻ hàng điện tử lớn nhất nước Mỹ Best Buy cũng sẽ ngưng nhập sản phẩm Mate 10 Pro của Huawei, nhà sản xuất        điện thoại thông minh số một của Trung Quốc, để bán tại thị trường Mỹ.

Mỹ chặn "cá mập trắng" công nghệ Huawei ảnh 1Huawei hiện là nhà sản xuất smartphone thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Samsung và Apple

Động thái trên được cho là bắt nguồn bởi áp lực từ các tổ chức tình báo Mỹ vốn coi Huawei là công cụ gián điệp cho Chính phủ Trung Quốc. Hồi đầu năm, các cơ quan tình báo hàng đầu của Mỹ (CIA, FBI và NSA) đã công khai lên tiếng nói rằng thiết bị của công ty này có thể được sử dụng làm công cụ gián điệp cho Chính phủ Trung Quốc, mặc dù chưa có bằng chứng cụ thể nào được đưa ra.

Được thành lập năm 1987 bởi ông Ren Zhengfei, một cựu kỹ sư của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, Huawei có trụ sở chính tại thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Khởi đầu với số vốn khiêm tốn chỉ 20.000 nhân dân tệ và trong vai trò là nhà phân phối các thiết bị tổng đài PBX cho một hãng của Hồng Kông, tới năm 1990, Huawei đã tự nghiên cứu và sản xuất thiết bị tổng đài riêng của mình, và đến năm 1995 thì tiến sang lĩnh vực phát triển và sản xuất thiết bị thông tin di động.

Năm 1997, khi nội lực đã lớn mạnh với doanh thu 1 tỷ USD trên thị trường nội đia, Huawei đặt mục tiêu trở thành một tập đoàn toàn cầu. Đến nay, sau 2 thập kỷ toàn cầu hóa, Huawei đã trở thành là nhà sản xuất smartphone đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Samsung và Apple. Doanh thu năm 2017 của Huawei đạt 91,5 tỷ USD và số lượng  smartphone bán ra trong năm đạt khoảng 153 triệu chiếc.

Tuy nhiên, lý lịch của Huawei luôn là câu hỏi gây lo ngại cho nhiều nước.  Năm 2012, sau gần 1 năm tiến hành điều tra, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã đưa ra kết luận rằng, Huawei và ZTE đã không hợp tác và không thể đưa ra những bằng chứng cụ thể, đủ sức thuyết phục để chứng minh họ “trong sạch”, không có mối quan hệ với nhà cầm quyền Trung Quốc.

Với người Mỹ, nỗi lo sợ lớn nhất chính là việc công ty Trung Quốc như Huawei cấy những backdoor - “cửa hậu” trong các thiết bị router và switch, từ đó tuồn các thông tin quan trọng giúp Trung Quốc dễ dàng thực hiện các cuộc tấn công chặn liên lạc, tấn công trực tuyến đối với các cơ sở hạ tầng quan trọng như lưới điện, đập nước…

Không riêng Mỹ, Anh cũng liệt Huawei vào dạng nghi vấn. Nặng nề hơn, tại Australia, Chính phủ nước này đã cấm Huawei tham gia cung cấp mạng lưới cáp quang cấp quốc gia. Chính phủ Canada cũng từng tính đến khả năng tẩy chay Huawei trong các dự án truyền thông quốc gia trước những lo ngại về nguy cơ an ninh mạng. Huawei còn bị nghi ngờ là đã “đi đêm”, bán các thiết bị viễn thông tới Iran, vi phạm các quy định tại Mỹ.

Trở lại vụ Best Buy quyết định ngưng nhập sản phẩm Mate 10 Pro của Huawei. Với màn hình OLED 18:9, 6 inch, chip Kirin 970 sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), hệ điều hành Android Oreo, 6Gb RAM và camera kép 12-megapixel của Leica, Mate 10 Pro được kỳ vọng là dòng điện thoại có thể cạnh tranh ngang ngửa với các sản phẩm của Apple và Samsung trên thị trường Mỹ. Tuy nhiên, giấc mơ chiếm lĩnh thị trường Mỹ của Huawei đã thất bại.

Có nhà phân tích nói rằng, nếu ví ngành công nghiệp di động như một đại dương bao la, thì Huawei là một con cá mập trắng khổng lồ, di chuyển nhanh, tấn công dữ dội, và có thể “ngửi thấy mùi máu” từ cách xa hàng cây số. Xem ra, tránh xa, không để “con cá mập” công nghệ này nuốt chửng là điều mà Mỹ đang làm.