Muốn tài trợ nhưng sợ sự cố

ANTĐ - Sáng qua 4-4, tại Hà Nội, Công ty VPF đã tổ chức họp báo tổng kết công tác tổ chức đầu mùa giải 2013. Bên cạnh những vấn đề chuyên môn, nhà tổ chức giải cũng đã có nhiều chia sẻ liên quan đến vấn đề tài chính. 

Nếu xây dựng được giải đấu hấp dẫn, các nhà tài trợ sẽ tự khắc tìm đến

Trưởng BTC Trần Duy Ly thừa nhận: “Kinh tế suy thoái khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, bóng đá vì thế cũng ảnh hưởng theo. Nếu như các mùa trước, nhiều CLB sẵn sàng chi 80-100 tỷ đồng/năm cho bóng đá thì nay, con số chỉ còn một nửa. Nhưng theo tôi được biết, các doanh nghiệp đã rất cố gắng để tiếp tục bỏ tiền nuôi đội bóng thi đấu”.

Lãnh đạo VPF đồng thời phủ nhận thông tin sẽ có đội bóng bỏ cuộc giữa chừng vì thiếu tiền. “Đến nay BTC giải chưa nhận được bất cứ đề nghị xin rút nào của các đội. Trước đó, chúng tôi đã đi khảo sát tài chính các đội và tất cả đều cam kết sẽ theo giải cho tới khi về đích”, Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng cho hay. Một thông tin đáng chú ý được chính lãnh đạo VPF thừa nhận là việc số lượng các doanh nghiệp tham gia Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam bị giảm sút. “Từ 10 doanh nghiệp năm 2012, sang mùa giải năm nay chỉ còn 4 doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định, thời gian tới VPF sẽ có thêm các doanh nghiệp tham gia tài trợ”, Phó Tổng giám đốc VPF Phạm Phú Hòa thẳng thắn.

Theo Chủ tịch Võ Quốc Thắng, VPF đã và sẽ tiếp tục kêu gọi, đàm phán với các doanh nghiệp trên cả nước. “Khi trao đổi, rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ngỏ ý muốn tài trợ cho bóng đá, song điều cản trở họ chính là việc V-League đang khủng hoảng. Họ lo ngại thương hiệu không được quảng bá, trái lại còn bị làm xấu bởi các sự cố phản cảm có thể xảy ra ở các giải đấu”, ông Thắng chia sẻ. Người đứng đầu VPF cho rằng, vấn đề then chốt lúc này là cải thiện và nâng cao chất lượng giải đấu. Khi 2 yếu tố chất lượng được đảm bảo, tính hấp dẫn tăng cao, khán giả quan tâm đến sân, hình ảnh giải đấu được quảng bá rộng rãi… thì tức khắc các doanh nghiệp sẽ nhảy vào tài trợ và mang lại lợi ích cho bóng đá Việt Nam. 

Một tín hiệu khả quan được phía VPF thông báo, chính là việc bên cạnh các đối tác trong nước, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng ngỏ ý đầu tư vào bóng đá Việt Nam. Trong mối hợp tác này, ngoài sự nỗ lực của chủ tịch Võ Quốc Thắng, qua các mối quan hệ riêng, còn có sự trợ giúp đắc lực của cố vấn – chuyên gia Tanabe, trong vai trò như một cầu nối.

Ông Tanabe từng điều hành giải J-League (Nhật Bản) và tạo nhiều mối quan hệ với các doanh nghiệp xứ sở hoa anh đào. Một trong những động lực để VPF ký hợp đồng thuê ông này đảm nhiệm vai trò cố vấn chính là hy vọng với mối quan hệ cá nhân lâu năm, ông Tanabe sẽ kéo các doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam. “Suốt gần 2 tháng qua, ông Tanabe vừa đi các CLB khảo sát, vừa gặp gỡ, trao đổi với các đối tác doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào V-League và thu được nhiều tín hiệu khả quan. Bóng đá là môn thể thao số 1 Việt Nam và VPF tin rằng người hâm mộ, cũng như các doanh nghiệp sẽ không bao giờ quay lưng”, chủ tịch Võ Quốc Thắng chia sẻ.