“Mưa án" hủy niêm yết, nhà đầu tư chứng khoán như “ngồi trên đống lửa”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhà đầu tư trên sàn chứng khoán đang đứng trước chồng chất nỗi lo, khi không chỉ giá nhiều cổ phiếu lao dốc mà nhiều khoản đầu tư có nguy cơ “bốc hơi” khi cổ phiếu nhận án hủy niêm yết.

Loạt doanh nghiệp đứng trước nguy cơ rời sàn

Mới đây nhất, ngày 14/2, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) công bố quyết định hủy niêm yết gần 710 triệu cổ phiếu của Công ty CP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) từ ngày 20/2. Nguyên nhân là do tập đoàn này đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác, thuộc diện hủy niêm yết bắt buộc theo quy định.

Việc hủy niêm yết với cổ phiếu FLC, theo HOSE, là nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Tuy nhiên, những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu này, dù đã xác định trước tâm thế, cũng không khỏi xót xa khi khoản đầu tư lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng sẽ biến thành mớ “giấy lộn”.

Cổ phiếu FLC vốn là một cổ phiếu “nóng” trong suốt thời gian dài khi thu hút rất nhiều nhà đầu tư tham gia. Tại phiên họp bất thường hồi đầu tháng 2, đại diện FLC cho biết doanh nghiệp này có hơn 64.700 cổ đông, đủ thấy ảnh hưởng của việc hủy niêm yết cổ phiếu này đối với nhà đầu tư lớn như thế nào.

Cùng với FLC, những nhà đầu tư nắm cổ phiếu của các công ty khác thuộc “hệ sinh thái” FLC như ROS, HAI, ART… cũng đang chịu cảnh khổ sở vì thua lỗ, không thể mua bán vì cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch hoặc hủy niêm yết.

Hàng loạt cổ phiếu bị đưa vào diện hủy niêm yết hoặc cảnh báo nguy cơ hủy niêm yết

Hàng loạt cổ phiếu bị đưa vào diện hủy niêm yết hoặc cảnh báo nguy cơ hủy niêm yết

Không chỉ các cổ phiếu liên quan FLC mà thời gian gần đây, hàng loạt cổ phiếu khác cũng bị đưa vào diện hủy niêm yết, cảnh báo hủy niêm yết, đình chỉ giao dịch... Nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, trong đó, có những doanh nghiệp thua lỗ do lý do khách quan (dịch bệnh).

Đơn cử như cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines, dù đã nhiều lần thoát “khe cửa hẹp”, nhưng với lợi nhuận sau thuế tiếp tục âm hơn 10.400 tỷ đồng trong năm 2022, đưa lỗ lũy kế lên hơn 34.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 10.000 tỷ đồng, thì mới đây, HOSE đã lần nữa cảnh báo nguy cơ hủy niêm yết cổ phiếu này.

Đây không phải lần đầu tiên HOSE lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu HVN. Hồi tháng 9/2022, HOSE cũng có văn bản gửi tới Vietnam Airlines với lý do tương tự khi doanh nghiệp thua lỗ và âm vốn chủ sở hữu trên báo cáo soát xét giữa năm.

Căn cứ Nghị định 155/2020/NĐ-CP năm 2020 quy định cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất.

Như vậy, nếu không có thay đổi quan trọng nào trong báo cáo tài chính năm 2022 có kiểm toán sắp tới, hơn 2,2 tỷ cổ phiếu Vietnam Airlines sẽ bị buộc phải rời sàn HOSE tới đây. Nếu điều này trở thành hiện thực thì đây là điều rất đáng tiếc với nhà đầu tư, bởi Vietnam Airlines là trường hợp thua lỗ trong điều kiện bất khả kháng.

Trách nhiệm thuộc về cả nhà đầu tư

Cùng với HVN thì nhiều cổ phiếu khác cũng đang đứng trước nguy cơ rời sàn. Trong đó, trên sàn HOSE có thể kể đến: cổ phiếu UDC của Công ty CP Xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; MCG của Công ty CP Năng lượng và bất động sản; HOT của Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An...

Đây đều là những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài, trong đó một trong những nguyên nhân quan trọng là do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các thị trường bất động sản, xây dựng, du lịch đóng băng thời gian dài.

Tương tự, trên HNX, nhiều cổ phiếu cũng bị cảnh báo khả năng huỷ niêm yết do kết quả kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục, âm vốn chủ sở hữu. Hai trong số các cổ phiếu bị cảnh báo thuộc hệ sinh thái Lilama là: Công ty CP Cơ khí Lắp máy Lilama (mã: L35) và Công ty CP Lilama 7 (mã: LM7).

Cùng với đó là cổ phiếu của Công ty CP Sản xuất Xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ (mã: KVC); Công ty CP VKC Holdings - Cáp nhựa Vĩnh Khánh (mã: VKC)

Theo quy định, các công ty sau khi sau khi có cổ phiếu bị huỷ niêm yết trên sàn chứng khoán thì phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM với điều kiện công ty đó vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng. Trong trường hợp cổ phiếu tiếp tục giao dịch trên UPCoM thì cổ phiếu vẫn có thanh khoản, nhà đầu tư vẫn có thể giao dịch mua bán.

Hiện nhiều nhà đầu tư nắm giữ các cổ phiếu có nguy cơ hủy niêm yết đang như “ngồi trên đống lửa” khi không biết cổ phiếu của mình có đủ điều kiện giao dịch trên UPCoM hay không.

Theo các chuyên gia, việc cổ phiếu bị hủy niêm yết, trách nhiệm đầu tiên thuộc về lãnh đạo doanh nghiệp khi để xảy ra sai phạm, kết quả kinh doanh thua lỗ; sau đó, cũng có thể nói đến trách nhiệm của cơ quan quản lý vì đã để xảy ra vụ việc.

Tuy nhiên, bản thân nhà đầu tư cũng có trách nhiệm trước quyết định đầu tư của mình khi không ít người chạy theo các cổ phiếu “nóng” mà không quan tâm những vấn đề nội tại của doanh nghiệp.