MSVN: Ngay cả trong kịch bản xấu, các ngân hàng Việt sẽ không rơi vào khủng hoảng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các chuyên gia MSVN cho rằng các ngân hàng Việt Nam sẽ không rơi vào khủng hoảng nợ xấu như 10 năm trước; và chỉ cần tối đa 1,5 năm để xử lý nợ xấu.

Maybank Investment Bank (MSVN) vừa công bố báo cáo chiến lược ngành Ngân hàng, trong đó bộ phận Nghiên cứu Phân tích của MSVN duy trì quan điểm “Tích cực” đối với ngành Ngân hàng của Việt Nam.

Tại báo cáo, MSVN đánh giá lợi nhuận của hầu hết các ngân hàng Việt Nam sẽ tăng chậm lại đáng kể trước những khó khăn trong năm 2023.

Các ngân hàng đang phải đối mặt với những khó khăn do nhu cầu tín dụng và thu nhập từ phí chậm lại, cũng như áp lực lên NIM (biên lãi ròng) và trích lập dự phòng.

Lợi nhuận các ngân hàng sẽ chậm lại trong 2023, vẫn còn động lực tăng mạnh mẽ

Lợi nhuận các ngân hàng sẽ chậm lại trong 2023, vẫn còn động lực tăng mạnh mẽ

Dù vậy, MSVN cho rằng đây chỉ là sự chậm lại trong một năm với bối cảnh môi trường kinh doanh kém thuận lợi.

Trong chu kỳ 3 - 4 năm, MSVN vẫn thấy dư địa lớn để các ngân hàng Việt Nam ghi nhận các động lực tăng trưởng mạnh mẽ (tức là tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, tỷ lệ NIM khoảng 4% và tăng trưởng thu nhập phí trên 20%).

“Đối với chất lượng tài sản/rủi ro trích lập dự phòng, chúng tôi đã thực hiện mô hình kiểm thử để đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng bất động sản đối với các ngân hàng Việt Nam.

Thử nghiệm của chúng tôi chỉ ra rằng ngay cả trong kịch bản “Xấu” (với khả năng 20% khoản vay cho các nhà phát triển và 10% khoản vay mua nhà có thế chấp trở thành nợ xấu), các ngân hàng Việt Nam cũng sẽ không rơi vào khủng hoảng như năm 2011 – 2012” – báo cáo của MSVN cho biết.

Theo các chuyên gia, nền tảng vĩ mô, khung pháp lý và bộ đệm giảm rủi ro cho vay mạnh mẽ hơn hiện nay có thể giúp các ngân hàng tránh được cú sốc chi phí tín dụng.

“Chúng tôi ước tính nếu kịch bản “Xấu” xảy ra, các ngân hàng Việt Nam sẽ chỉ cần ít hơn 1,5 năm để xử lý thông qua trích lập dự phòng, chứ không phải 5 - 6 năm như trước đây” – MSVN nhận định.

Dựa trên phân tích về kế hoạch năm 2023 của các Ngân hàng và khả năng hoàn thành kế hoạch của ban lãnh đạo, MSVN ước tính rằng tổng lợi nhuận của 17 ngân hàng niêm yết có thể tăng khoảng 13-15% trong năm nay, so với 32-35% % trong năm 2021-2022.

Do đó, ROE (lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu) trung bình của các ngân hàng đã niêm yết có thể giảm xuống khoảng 18,7% (so với 20% trong năm 2022).

Cơ hội để tích lũy cổ phiếu ngân hàng

Theo MSVN, ngay cả trong một kịch bản không thực tế rằng các ngân hàng không có lãi trong năm 2023 (tức là các ngân hàng sẽ sử dụng tất cả lợi nhuận của mình để xử lý nợ xấu theo kịch bản “Xấu”) và chỉ lấy giá trị sổ sách cuối năm 2022 làm cơ sở để tính toán P/B, thì hầu hết các ngân hàng Việt Nam đang giao dịch ở gần mức đáy 10 năm.

“Do đó, chúng tôi cực kỳ khuyến nghị các nhà đầu tư, những người có thể có tầm nhìn dài hạn sau năm 2023 và hướng đến câu chuyện dài hạn của Việt Nam về nâng hạng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên “Mức đầu tư” và nâng hạng thị trường chứng khoán lên “Thị trường mới nổi”, hãy tích lũy cổ phiếu ngân hàng Việt Nam từ bây giờ” – chuyên gia MSVN khuyến nghị.