Một nước cờ nguy hiểm

ANTĐ - Trước một Việt Nam đã hợp tác đúng mực, vậy tại sao Trung Quốc lại hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam? Đánh giá đây là cách phô trương thô thiển và độc đoán, nhà báo kỳ cựu Peter Lee đã lý giải nước cờ nguy hiểm của Trung Quốc trên tờ Asia Times.

Theo luật, mọi tàu thuyền, kể cả tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh của Trung Quốc có quyền đi lại trên bất kỳ vùng biển nào thuộc Biển Đông, kể cả vùng đặc quyền kinh tế dù có tranh chấp hay không. Và quả thật, tàu Liêu Ninh đã thực hiện hành trình chạy thử ở Biển Đông vào cuối năm 2013. Lần này thì khác, Trung Quốc đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương 981 trị giá cả tỷ đô la để minh chứng cho khả năng của Trung Quốc có thể đơn phương phát triển các mỏ dầu ở khu vực tranh chấp. Đây là nước cờ gây mất ổn định tại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam làm gia tăng phản ứng căng thẳng.

Theo bài báo, Trung Quốc đã tính toán hạ đặt giàn khoan tại một địa điểm gần quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm giữ và tự xác định là vùng đặc quyền kinh tế của mình, nhưng vùng biển này với Trung Quốc mang tính tranh chấp chứ không được rõ ràng như Việt Nam. Giàn khoan Hải Dương 981 được hộ tống bởi một đội gồm hàng chục tàu, trong đó có tàu hải cảnh, kiểm ngư. Theo thông tin từ một blogger Trung Quốc, xuất hiện quanh giàn khoan còn có tàu khu trục tên lửa, điều đó chứng tỏ Trung Quốc công khai yếu tố quân sự vào các tranh chấp kinh tế với các nước láng giềng trên biển.

Đoạn video mà Việt Nam cung cấp cho thấy tàu hải cảnh Trung Quốc đâm thẳng vào tàu cảnh sát biển Việt Nam đang cố gắng tiếp cận giàn khoan, điều này cho thấy Trung Quốc không e ngại hành động đe dọa, hung hăng thể hiện sức mạnh của mình.

Ở mức độ trực tiếp, nhà báo Peter Lee cho rằng đó là vì Trung Quốc muốn có cơ hội thử nghiệm năng lực hoạt động của bộ máy hải quân cồng kềnh trong một môi trường đối lập thực sự. 

Ở mức độ gián tiếp, sự kiện này nhằm chuẩn bị cho một cuộc đối đầu với quốc gia mà Trung Quốc thực sự nhắm đến: Philippines. Philippines đối với Trung Quốc sẽ rủi ro hơn nhiều vì nước này là liên minh quân sự với Hoa Kỳ và chính sách đối ngoại của Philippines khá cứng rắn, họ từ chối quan hệ song phương với Trung Quốc với hy vọng Hoa Kỳ sẽ ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc. Ngay ngày 6-5, Philippines đã phản ứng mạnh khi bắt giữ tàu đánh cá Trung Quốc tại vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền. “Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ làm ngay nhưng sẽ không ngạc nhiên nếu giàn khoan Hải Dương 981 xuất hiện tại “biển Tây Philippines” trong tương lai gần”, Peter Lee viết.

 Chung nhận định Trung Quốc đang có những bước đi nguy hiểm trên Biển Đông, Giáo sư François Godement, Giám đốc phụ trách về châu Á - Trung Quốc của Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) mới đây cho rằng, Trung Quốc một mặt nhằm thực hiện chiến lược tranh giành lãnh thổ trên biển, mặt khác hù dọa Việt Nam và Philippines. 

Trước việc các tàu quân sự, tàu hải cảnh, tàu hải giám của Trung Quốc liên tục có hành động hung hăng tấn công tàu của Cảnh sát biển Việt Nam, Giáo sư Godement nhấn mạnh nguy cơ từ các hành động như vậy dẫn đến leo thang thành xung đột trong khu vực rất lớn. Trung Quốc rõ ràng đã thể hiện thái độ không tôn trọng các thỏa thuận quốc tế, sẵn sàng sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Họ đang cố gắng thực hiện một khái niệm mà hiện nay đã rất lỗi thời, chỉ phổ biến từ thế kỷ 19, đó là cố gắng thiết lập một “phạm vi ảnh hưởng khu vực”. 

 Cùng với việc đánh giá cao thái độ kiềm chế của Việt Nam trước các hành vi “tấn công” từ phía các tàu Trung Quốc, Giáo sư Godement cho rằng ngoài việc xây dưng các mối liên kết mới, Việt Nam nên nghiên cứu giải pháp pháp lý và cố gắng tránh một cuộc xung đột quân sự. Theo ông, Việt Nam nên xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, ASEAN và cả Liên minh châu Âu (EU) để phát huy sức mạnh ngoại giao. Giáo sư Godement nhận định rằng qua vụ việc này, các nước châu Á khác thêm một lần nữa hiểu rõ các tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc trên biển.