Một năm sau vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ 6-1-2021: Vẫn “không thể giải thích được” sự chậm trễ của Vệ binh quốc gia Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 6-1, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết, vẫn “không thể giải thích được” tại sao Vệ binh quốc gia lại mất nhiều thời gian để có thể ngăn chặn cuộc bạo loạn chết người tại Điện Capitol tròn 1 năm về trước. Nhưng bất chấp sự bị động của nhiều lực lượng lúc đó, Bộ Tư pháp Mỹ cùng FBI đã có một chiến dịch bí mật.
Lực lượng đặc nhiệm “sẵn sàng tiêu diệt” trong chiến dịch bí mật tại tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6-1-2021

Lực lượng đặc nhiệm “sẵn sàng tiêu diệt” trong chiến dịch bí mật tại tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6-1-2021

Vệ binh quốc gia xuất hiện sau 3 tiếng

Bà Pelosi đã đưa ra bình luận này trong một chương trình đặc biệt mới đây của CNN. Bà nói rằng, khi đó, lãnh đạo đa số Thượng viện Charles Schumer cùng lãnh đạo đa số Hạ viện Steny Hoyer đã gọi điện cho các quan chức, bao gồm cả Thống đốc khi cuộc tấn công đang diễn ra. “Chúng tôi đã cố gọi cứu viện là Vệ binh Quốc gia và điều đó rất khó khăn” - bà Pelosi kể. Đích thân bà Pelosi hôm đó có gọi điện cho một trợ lý của Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng được trả lời là sẽ mất thời gian, người đó phải báo cáo sếp mình nhưng chưa có cơ hội gặp. “Thực sự có một sự chậm trễ. Nó không thể giải thích được” - Chủ tịch Hạ viện Mỹ nhận định.

Khoảng thời gian để lực lượng Vệ binh quốc gia bắt đầu có phản ứng trong vụ bạo loạn ngày 6-1-2021 vẫn cần được làm sáng tỏ bởi ngày hôm đó, các nhà lập pháp, phụ tá, phóng viên… phải lánh tạm suốt vài giờ trong khi một đám đông ủng hộ Tổng thống Donald Trump xông vào Điện Capitol và cố gắng ngăn Quốc hội chứng nhận kết quả bầu cử Tổng thống năm 2020. Steven Sund - cựu Cảnh sát trưởng của tòa nhà Quốc hội nói với tờ Washington Post trong một cuộc phỏng vấn vào tháng Giêng năm ngoái rằng, ông đã đề nghị trước cuộc bạo động ngày 6-1-2021 về việc yêu cầu lực lượng Vệ binh quốc gia DC túc trực trong trường hợp cần thiết, nhưng các quan chức an ninh Hạ viện và Thượng viện đã từ chối hoặc đưa ra một giải pháp khác thay thế.

Trong lời khai vào tháng 3 năm ngoái, Thiếu tướng William Walker - Chỉ huy Vệ binh quốc gia của Washington làm nhiệm vụ tại sự kiện đó nói rằng, Lầu Năm Góc đã chấp thuận triển khai lực lượng Vệ binh quốc gia sau 3 giờ, kể từ khi Cảnh sát trưởng Điện Capitol “điên cuồng gọi điện” yêu cầu giúp đỡ.

Chiến dịch bí mật của Bộ Tư pháp

Ngay sau năm mới 2021, Cảnh sát Quốc hội Mỹ, Sở Mật vụ và Sở Cảnh sát Thủ đô không đưa ra bất cứ yêu cầu nào về tăng cường an ninh cho cuộc họp chứng thực kết quả bầu cử Tổng thống 2020. Tuy nhiên, ông Jeffrey A. Rosen - khi đó là quyền Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, đơn phương quyết định triệu tập lực lượng “quốc gia” để phòng ngừa tình huống tồi tệ nhất. Theo kế hoạch ứng phó khẩn cấp, Bộ Tư pháp và FBI quyết định hành động độc lập, bí mật triển khai lực lượng đặc nhiệm mật phục quanh đồi Capitol, với mệnh lệnh “sẵn sàng nổ súng tiêu diệt” các mối đe dọa nhằm vào cơ quan này.

Theo Newsweek, thành viên các đội đặc nhiệm của FBI và Bộ Tư pháp Mỹ đã được tập kết tại Học viện FBI ở Quantico, cách tòa nhà Quốc hội Mỹ khoảng 48km về phía Nam từ ngày 2 và 3-1-2021. Sáng 6-1, họ đến đồi Capitol từ sớm để hỗ trợ thu thập bằng chứng và phát hiện nhiều thiết bị nổ tại một số địa điểm. Các đội chiến thuật SWAT và xạ thủ bắn tỉa được triển khai ở những tòa nhà xung quanh đồi Capitol để sẵn sàng bảo vệ các nghị sĩ và nhân viên làm việc ở đây. Đơn vị chiến thuật thuộc Đội Giải cứu con tin của FBI là lực lượng đặc nhiệm liên bang đầu tiên tiến vào tòa nhà Quốc hội Mỹ sau khi người biểu tình bắt đầu phá vỡ hàng rào an ninh, xông vào bên trong. Một nhóm phối hợp với Cảnh sát Quốc hội và mật vụ bảo vệ cho Phó Tổng thống Pence.

Các “biệt đội tiêu diệt” này tạo thành một lớp phòng thủ mạnh để đảm bảo an ninh cho Quốc hội Mỹ, dù rằng sau đó các vụ nổ súng ngăn người biểu tình trong đồi Capitol chủ yếu do Cảnh sát Quốc hội và mật vụ thực hiện. “Tôi tin rằng Bộ Tư pháp đã chuẩn bị hợp lý cho các tình huống bất thường trước ngày 6-1, dù biết rõ rằng họ thiếu thông tin về số lượng người sẽ đổ đến” - ông Rosen nói trong phiên điều trần với Quốc hội Mỹ sau đó. “Các cơ quan và đơn vị dưới quyền tôi không thực hiện nhiệm vụ kiểm soát đám đông, họ tập trung đối phó những hành vi có nguy cơ cao”. Nhưng câu hỏi đặt ra là điều gì khiến Bộ Tư pháp Mỹ khi đó dự báo về sự kiện bất thường ngày 6-1, điều mà nhiều cơ quan khác bỏ lỡ?

Thiếu thông tin trao đổi về các mối đe dọa an ninh được cho là nguyên nhân khiến cơ quan chức năng Mỹ phản ứng chậm trong vụ bạo loạn, tấn công vào đồi Capitol năm ngoái. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng vừa ký ban hành luật cho phép Cảnh sát trưởng đồi Capitol có thẩm quyền yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp từ lực lượng Vệ binh quốc gia.