Ahmad Baskara ôm một xấp báo dày trên tay và len lỏi trong dòng người tiến vào sân vận động Gelora trước khi diễn ra trận bóng đá giữa Indonesia và Singapore. Chưa tới 10 người mua báo. Khi cánh cửa vào sân đóng lại, Ahmad Baskara nhận ra, SEA Games được tổ chức tại Jakarta chưa chắc đã đem lại thu nhập dễ chịu hơn như anh kỳ vọng.
Trên thực tế, SEA Games không phải sự kiện gì mới mẻ đối với người dân xứ Vạn đảo, bởi đây là lần thứ tư nước này đăng cai Đại hội thể thao khu vực. Tuy nhiên, cũng từ lâu rồi, dường như lấy việc tổ chức SEA Games nhằm quảng bá hình ảnh đất nước không còn là mục tiêu quan trọng đối với Indonesia nữa, bởi kinh nghiệm cho thấy nó chẳng mang lại lợi nhuận nào đáng kể, chưa kể có thể còn dẫn đến thâm hụt, một điều chẳng vui vẻ gì khi tỷ lệ thất nghiệp của Indonesia còn đang ở mức khá cao là trên 7%, và có khoảng trên 40% dân số của đất nước 230 triệu dân đang sống với mức thu nhập dưới 2 USD/ngày.
Bên cạnh tuyến đường cao tốc Jalan với những biểu ngữ cổ động SEA Games rợp trời, một nhóm người mặc áo đỏ mang băng rôn vừa đi vừa hò hét náo nhiệt. Liếc nhìn những dòng chữ trên băng rôn, Fraidin - người lái taxi giải thích rằng, những người này không phải cổ vũ cho SEA Games mà đang đình công để đòi ông chủ tăng lương. Họ là những nhân viên của công ty có trụ sở ngay sát khu căn hộ Palm Court dành cho quan chức và vận động viên tham dự SEA Games.
Không ít người Jakarta thờ ơ đến lạnh lùng với SEA Games, bởi họ còn có quá nhiều việc khác cần quan tâm hơn để nuôi sống bản thân và gia đình. Dọc các con đường ở trung tâm thành phố, bên ngoài những căn biệt thự tuyệt đẹp rộng mênh mông là một cuộc sống khác hoàn toàn đối lập. Sự phân hóa giàu nghèo đến khốc liệt ở Jakarta cũng không gây ngạc nhiên cho ai, vì cuộc sống vẫn luôn luôn thế, chẳng thể nào có được công bằng bao giờ. Nó chỉ là một cách giải thích đơn giản cho sự thờ ơ với SEA Games của những người còn bộn bề chuyện miếng cơm manh áo.