Mong manh và rủi ro

ANTĐ - Làn sóng bán tháo cổ phiếu diễn ra trong 5 ngày liên tiếp trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ) cho thấy quá trình phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới còn khá mong manh và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Giới đầu tư bán tháo cổ phiếu khi lo ngại về sự phục hồi của kinh tế Mỹ

Ngày 10-4, giá các loại cổ phiếu chủ chốt của Mỹ đã phải hứng chịu một phiên mất giá tệ hại nhất kể từ đầu năm tới nay khi chỉ số công nghiệp Dow Jones của 30 tập đoàn công ty lớn của Mỹ giảm 213,66 điểm, tương đương 1,65%, xuống còn 12.715,93 điểm. Đây là ngày mất giá thảm hại nhất của loại cổ phiếu danh giá này kể từ đầu năm nay. 

Tính ra trong 5 phiên giao dịch liên tiếp vừa qua, Dow Jones đã bị mất tổng cộng 550 điểm, tức là già nửa số điểm mà chỉ số này giành được trong quý đầu tiên của năm 2012. Có tới 29 trong tổng số 30 cổ phiếu thành viên của Dow Jones bị báo đỏ trong ngày 10-4, trong đó cổ phiếu BAC của Bank of America giảm mạnh nhất tới 4,4%. 

Không chỉ có vậy, chỉ số tổng hợp Nasdaq Composite thậm chí bị mất giá nhiều hơn, tới 1,85%, xuống còn 2.991,33 điểm. Đây là lần mất giá tệ hại nhất của Nasdaq kể từ tháng 12-2011. Bên cạnh đó, chỉ số Standard & Poor 500 của các doanh nghiệp vừa và nhỏ mất giá thảm hại nhất kể từ tháng 11-2011, tới 1,71%, xuống còn 1.358,59 điểm. 

Việc các chỉ số cổ phiếu quan trọng nhất của nền kinh tế đồng loạt quay đầu giảm giá mạnh trong 5 ngày liên tiếp khiến các nhà đầu tư và giới kinh tế không khỏi bất ngờ. Bởi trước đó, thị trường chứng khoán đang phục hồi khá tốt cùng với sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ mà như nhận định lạc quan của không ít chuyên gia là nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ra khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong 7 thập kỷ qua.

Lý giải cho việc các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trong 5 ngày liên tiếp, các chuyên gia kinh tế cho rằng đó là phản ứng biểu thị sự lo ngại của giới đầu tư trước sự phục hồi chưa chắc chắn của nền kinh tế Mỹ khi số lượng việc làm mới được tạo ra trong tháng 3-2012 thấp hơn nhiều so với mức dự báo trước đó. Theo Bộ Lao động Mỹ, việc số việc làm mới được tạo ra trong tháng 3 chỉ ở mức 121.000 so với mức dự báo 203.000 là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn chưa phục hồi ổn định với tỷ lệ thất nghiệp lúc này vẫn ở mức rất cao: 8,2%. 

Ngoài ra, làn sóng bán tháo cổ phiếu còn xuất phát từ việc các nhà đầu tư tỏ ra e ngại, chưa nhìn thấy một giải pháp thực thụ cho cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu vốn có tác động rất lớn tới sự phục hồi của kinh tế Mỹ. Nhiều nhà đầu tư cho rằng tình hình nợ công tại Tây Ban Nha hiện nay thậm chí có thể còn nguy hiểm hơn Hy Lạp. 

Chính vì thế mà ngay sau khi Bộ Lao động công bố báo cáo tình hình việc làm tháng 3, Tổng thống Barack Obama đã phải lên tiếng thừa nhận rằng đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ vẫn chưa thật vững chắc. Ông Obama nói: “Chúng ta vẫn cảm thấy chưa thật yên lòng. Chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm. Và vấn đề quan trọng nhất lúc này là phục hồi an ninh kinh tế”. 

Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke cũng cho rằng hãy còn quá sớm khi tuyên bố thắng lợi trong quá trình phục hồi kinh tế Mỹ. Theo ông Bernanke, hiện còn những rủi ro đe dọa sự phục hồi của kinh tế nước này, trong đó đáng lo ngại nhất là tỷ lệ thất nghiệp cao trong khi thị trường nhà đất - căn nguyên dẫn tới cuộc đại khủng hoảng 2008-2009 - còn khá ảm đạm. Song Chủ tịch FED vẫn cho rằng, dù còn đối mặt với một số rủi ro nhưng kinh tế Mỹ sẽ trở lại chu kỳ tăng trưởng dài hạn 3%/năm.