Mối lo va chạm, đụng độ trên Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc gia tăng mạnh các hoạt động quân sự, các cuộc tập trận với mật độ ngày càng dày đặc ở Biển Đông đang có nguy cơ dẫn đến va chạm, thậm chí leo thang thành một cuộc xung đột quân sự trên vùng biển chiến lược này.

Những lần va chạm Mỹ - Trung Quốc

Kênh truyền hình CNN (Mỹ) mới đây đưa tin, các quan chức của Lầu Năm Góc đã ra lệnh xem xét toàn diện các tương tác quân sự của Mỹ với các lực lượng Trung Quốc trong 5 năm qua do lo ngại gia tăng hành vi cứng rắn của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Giới chức quân sự Mỹ cho biết, mục đích của việc này là để có cái nhìn sâu sắc và đầy đủ hơn về bất kỳ sự thay đổi nào trong mô hình hoạt động quân sự của Trung Quốc.

Tướng Mark Milley - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, yêu cầu tìm hiểu chi tiết về tất cả các “tương tác” giữa quân đội nước này và Trung Quốc. Đặc biệt, tướng Mark Milley yêu cầu làm rõ những tương tác được cho là “không an toàn” hoặc các hành động “không chuyên nghiệp” từ máy bay hoặc tàu chiến của Trung Quốc do tới quá gần các lực lượng Mỹ.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đườngg USS Benford của Mỹ trong một hoạt động tuần tra ở Biển Đông

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đườngg USS Benford của Mỹ trong một hoạt động tuần tra ở Biển Đông

Trong một văn bản chính thức gửi tới giới truyền thông, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cũng nhấn mạnh tới việc Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua đã liên tục trỗi dậy về kinh tế và quân sự. Cùng với sự trỗi dậy này, “họ đã trở nên hung hăng táo bạo hơn ở Thái Bình Dương”. Tướng Mark Milley cho biết, trong bối cảnh đó cần duy trì các đường dây liên lạc cởi mở và quản lý cạnh tranh để giảm thiểu rủi ro chiến lược, đồng thời trọng điểm của quân đội Mỹ là hiện đại hóa và sẵn sàng chiến đấu, cũng như xây dựng một mạng lưới các đối tác, đồng minh để khẳng định sức mạnh. Động thái trên của Lầu Năm Góc diễn ra khi mà các “tương tác” giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc (giới truyền thông gọi là các vụ đụng độ và va chạm) đã nhiều lần xảy ra. Trong đó có những vụ việc nghiêm trọng tới mức gây thiệt hại về sinh mạng và trang thiết bị vũ khí.

Mới đây nhất, hồi tháng 6 vừa qua, một máy bay vận tải quân sự C-130 của Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã va chạm với một máy bay chiến đấu Su-30 của Trung Quốc trên vùng trời Biển Đông. Dù Bộ Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc không công khai thừa nhận vụ việc, nhưng tướng Mark Milley được cho là đã có cuộc gọi điện đàm tới người đồng cấp là tướng Li Zuocheng - Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) về sự việc. Trong buổi điện đàm này, phía Trung Quốc đã bác bỏ “cáo buộc” của Mỹ là các máy bay và tàu quân sự của Trung Quốc đã gia tăng hành động gây hấn chống lại các hoạt động quân sự của Mỹ và đồng minh ở Biển Đông.

Trước đó, nhiều vụ va chạm, đụng độ giữa các lực lượng quân sự Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông cũng đã được ghi nhận. Vào tháng 10-2018, một tàu khu trục của Trung Quốc đã tiến sát một tàu chiến của Mỹ với khoảng cách chỉ 40m khiến cả 2 suýt va chạm nhau. Sự việc nghiêm trọng tới mức giới quân sự đã phải đặt câu hỏi: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tàu chiến Mỹ bị chìm?”.

Nhiều chuyên gia quân sự đã cảnh báo về nguy cơ xung đột đang tăng khi các cuộc tập trận (có bắn đạn thật), tuần tra của cả Mỹ và Trung Quốc gia tăng ở Biển Đông. Mỹ từng phản ứng mạnh mẽ sau khi Trung Quốc bắn 2 quả tên lửa đạn đạo DF-26B và DF-21D (được xem là “sát thủ tàu sân bay”) ra biển Đông hồi tháng 8-2022. Trong lúc đó, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin của Mỹ cũng đang tiến hành tuần tra gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra vào năm 2001 khi một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã va chạm với một máy bay do thám của Mỹ trên không phận quốc tế cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 160km khiến máy bay Trung Quốc bị rơi, còn máy bay Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam.

Lên án mọi toan tính, hành động dùng sức mạnh

Giới quân tích quân sự lo ngại các vụ va chạm, đụng độ giữa tàu chiến, máy bay quân sự của Trung Quốc với Mỹ nói riêng và với các quốc gia đồng minh khác của Mỹ ở Biển Đông có thể còn xảy ra trong tương lai khi mà Trung Quốc đang tiếp tục quân sự hóa tại vùng biển này. Trung Quốc sau khi bị Tòa trọng tài thường trực (PCA) bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông (trong vụ kiện của Philippines) đã không ngần ngại sử dụng sức mạnh quân sự để áp đặt đòi hỏi chủ quyền phi pháp, tiến hành các hành động gây hấn, đe dọa, bắt nạt ở Biển Đông.

Trong phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã cáo buộc Trung Quốc thực hiện một loạt các hành động nguy hiểm, cưỡng bức, đe dọa sự ổn định của châu Á, đồng thời cam kết Mỹ sẽ hợp tác với các đối tác để ứng phó. Ông chủ Lầu Năm Góc đã liệt kê một loạt các lĩnh vực mà Mỹ cho rằng Trung Quốc đang gây áp lực lên các nước láng giềng, bao gồm đưa một số lượng lớn máy bay chiến đấu tiến hành tập trận, ngăn chặn “rất nguy hiểm” các máy bay tuần tra của Mỹ và đồng minh, đánh bắt cá trái phép kiểu “cướp phá ở khu vực”… Ông Lloyd Austin nói thêm, các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “không nên phải đối mặt với sự đe dọa chính trị, cưỡng ép kinh tế hoặc quấy rối bởi lực lượng dân quân biển” như vậy.

Trên thực tế, trước tham vọng Trung Quốc “độc chiếm” Biển Đông, Hải quân Mỹ đã triển khai chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP). Theo đó, các lực lượng Mỹ mỗi năm tiến hành vài chục đợt tuần tra FONOP ở Biển Đông nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc. Ngày 16-7 vừa qua, Hạm đội 7 của Mỹ trong một tuyên bố cho biết, tàu khu trục USS Benford đã thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo tranh chấp trên Biển Đông. Chiếc tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường này đã đi gần các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trong “hoạt động tự do hàng hải”. Lực lượng quân sự Trung Quốc đã theo sát chiếc tàu chiến Mỹ và có những lời đe dọa nhằm vào tàu Mỹ.

Ông Derek Grossman - chuyên gia thuộc Tổ chức Rand Corporation (Mỹ), từng nhận định, nếu tình hình Biển Đông tiếp tục đi theo quỹ đạo hiện tại sẽ gia tăng nguy cơ xung đột quân sự. Tất nhiên, một cuộc xung đột nghiêm trọng giữa Mỹ và Trung Quốc là điều khó xảy ra, song vẫn còn đó nguy cơ tính toán sai lầm. Theo vị chuyên gia này, nếu Trung Quốc bắn một tên lửa DF-21D khác và nó đến gần một tàu sân bay Mỹ đi ngang qua khu vực, Mỹ có thể đáp trả và tình hình có thể leo thang sau đó.

Bất kỳ một va chạm, đụng độ nào ở Biển Đông đều ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định và an ninh. Bởi thế, mọi toan tính, hành động dùng sức mạnh, biện pháp quân sự đều phải bị lên án, chặn đứng bằng sự hợp tác, chung sức đồng lòng của các quốc gia khu vực cũng như các nước có lợi ích liên quan khác. Mọi bất đồng, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông phải được thương lượng và giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.