Nga - chủ nhà Olympic Sochi 2014:

Mối lo khủng bố từ "goá phụ đen"

ANTĐ - Cuối tháng 10-2013, đúng thời điểm Naida Asiyalova – một phụ nữ Dagestan 30 tuổi bước lên chiếc xe buýt công cộng ở thành phố Volgograd, quả bom cô ta mang trên người phát nổ, cướp đi sinh mạng của 6 người. Vụ tấn công có chủ đích rõ ràng này như một lời nhắc nhở về mối nguy “góa phụ đen” khủng bố ở Nga. 

Kể từ tháng 6-2000, các nữ chiến binh cảm tử đã tham gia ít nhất 20 vụ tấn công, làm 780 người thiệt mạng trên khắp nước Nga, bình quân 60 người chết mỗi năm. Ngay cả khi không tính đến con số thương vong kỷ lục do 2 cuộc tấn công lớn có liên quan đến các nữ phiến quân là cuộc khủng hoảng con tin tại nhà hát Dubrovka Matxcơva năm 2002 và vụ thảm sát tại trường học ở phía nam thị trấn Beslan năm 2004, trung bình mỗi vụ đánh bom cảm tử kiểu này ở Nga đã sát hại 18 người. 

Ngày càng có thêm bằng chứng cho thấy những kẻ tấn công này có khả năng nằm trong hàng ngũ các chiến dịch khủng bố có tổ chức. Một câu hỏi lớn đối với Matxcơva khi Thế vận hội mùa đông Sochi (thành phố cách trung tâm vùng Bắc Kavkaz vốn luôn bất ổn có vài trăm cây số) đang đến gần, lực lượng an ninh làm thế nào để có thể xác định và ngăn chặn những mạng lưới đó?

Làn sóng đầu tiên từ Chechnya

Các cuộc tấn công đầu tiên của những nữ đánh bom tự sát, hay còn gọi là “góa phụ đen” theo như cách gọi của các phương tiện truyền thông quốc tế đã xảy ra ở Chechnya, ngay sau chiến dịch thứ 2 của quân đội Nga nhằm triệt phá phong trào ly khai ở nước cộng hòa này năm 1999. Khi đó, các cuộc chống phá của phiến quân Chechnya có thủ đoạn ngày càng tàn bạo, trong đó có chiến thuật đánh bom tự sát.

Sau vụ tấn công trường học đúng ngày khai giảng năm 2004 ở Beslan làm 331 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em, lực lượng an ninh Nga đã truy quét, tập trung nguồn lực tình báo và chiến đấu chống lại các chiến binh Ảrập và các tín đồ Hồi giáo cực đoan trong hàng ngũ phiến quân Chechnya. Trong một vài tháng, nhiều đối tượng phải từ bỏ khu vực này hoặc đã bị tiêu diệt, kể từ đó không còn một trường hợp đánh bom do “góa phụ đen” người Chechnya nào gây ra. Điều này cho thấy các chiến dịch truy quét quyết liệt của quân đội Nga nhằm vào phiến quân có nguồn gốc từ Chechnya có thể đã xóa sổ những kẻ đầu não của chúng.

“Phiên bản mới” ở Dagestan

Thế nhưng, các “góa phụ đen” bắt đầu xuất hiện trở lại từ năm 2010, lần này tất cả những kẻ tấn công đều đến từ Dagestan. Dấu vết về nguồn gốc địa lý cùng với một số ít các đầu mối khác cho thấy, các kỹ năng và kiến thức cần thiết để tổ chức các cuộc tấn công như vậy đã “di cư” tới Dagestan. Điều này thu hút sự chú ý đáng kể của các phương tiện truyền thông, khiến dư luận hoang mang, thậm chí đã có lúc có hành khách từ chối bay khi lên cùng máy bay có phụ nữ ăn mặc kiểu Hồi giáo.

Mặc dù những nữ khủng bố này ngày càng có vai trò quan trọng trong các chiến dịch lớn hơn nhưng có lúc chúng không hoàn toàn kiểm soát hành động của mình. Như ở Beslan, thủ lĩnh nhóm khủng bố Ruslan 

Khuchbarov được cho đã tiêu diệt một nữ khủng bố vì cô ta phản đối bắt giữ hàng trăm trẻ em làm con tin. Một tháng trước đó, tháng 8-2004, một nữ khủng bố đã nổ tung cùng khối thuốc nổ gần ga tàu điện ngầm Rizhskaya ở Matxcơva, giết chết 10 người trong đó có 1 đồng phạm đi cùng cô ta. Điều tra cho thấy, “góa phụ đen” đeo vật liệu nổ nhưng kích nổ lại là kẻ đồng lõa thứ ba. Tương tự, nhân chứng cho biết trong số 19 nữ phiến quân tham gia vụ bắt cóc con tin tại nhà hát Dubrovka, một số nữ phiến quân điên cuồng kích nổ bom nhưng đều không biết cách.

Cần ngăn chặn từ gốc

Khi bạo lực và bất mãn vẫn như những đốm lửa tàn nhen nhóm ở Bắc Kavkaz, những kẻ lên kế hoạch tấn công khủng bố tiếp tục tính đến khả năng tuyển mộ phụ nữ. Tại sao vậy? Vì họ đều là vợ của những chiến binh và thường không có cơ hội tái hòa nhập xã hội, đặc biệt là sau khi chồng bị lực lượng an ninh nhà nước tiêu diệt. Với họ, trở về nhà có thể gây nguy hiểm cho người thân. Bước đường cùng, nhiều người chọn cách “hy sinh cho thánh chiến”.

Về nguyên nhân sâu xa, chiến lược chống khủng bố của chính quyền Nga khá mạnh tay và ẩn chứa hệ lụy khó lường. Hơn chục năm qua, đã có nhiều tranh cãi xung quanh hình phạt đối với gia đình những kẻ liên quan đến khủng bố, ví dụ như phá nhà hoặc không cho phép đưa thi thể về để chôn cất. Mới tháng 9-2013, Tổng thống Vladimir Putin đề xuất một dự luật trước Duma Quốc gia rằng sẽ buộc các thân nhân của những kẻ khủng bố phải bồi hoàn tổn hại trong các cuộc tấn công. Tuy nhiên, những kẻ đánh bom tự sát phần lớn cắt đứt quan hệ với gia đình mình trước khi thực thi nhiệm vụ, vì thế dự thảo trên sẽ còn gây tranh cãi.

Đối mặt với thách thức lớn là ngăn chặn các vụ đánh bom tự sát có tổ chức tại khu vực Bắc Kavkaz, chính quyền liên bang Nga cần có giải pháp chính trị linh hoạt và tập trung vào việc săn lùng những kẻ đóng vai trò trung tâm điều phối các “góa phụ đen” như một công cụ khủng bố.