Mẹo khi nhớ nhớ, quên quên
(ANTĐ) - Ai cũng có lúc thắc mắc không biết vào phòng để kiếm thứ gì, bỗng dưng không thể nhớ đã để điện thoại di động ở đâu, rồi nấu bếp xong không nhớ đã tắt bếp chưa. Dưới đây là các “kỹ thuật” được nhiều chuyên gia đưa ra giúp bạn củng cố trí nhớ của mình.
Quên những dữ liệu tẻ nhạt, ví dụ cuộc họp, địa chỉ, khẩu lệnh, ngày sinh nhật, ngày tháng lịch sử hay mã số PIN. Những thông tin kiểu này, thường không đặc biệt và thú vị nên “không thọ”, chỉ có thể nhớ được lâu trừ khi có sự nỗ lực liên tục. Giải pháp duy nhất chính là lưu trữ một cách hợp lý trong trí nhớ dài hạn để sau đó chúng có thể khôi phục lại được. Ví dụ, nếu muốn ghi nhớ số điện thoại của cô cháu gái, hãy liên hệ chúng với một sự kiện trọng đại (8 ngày sau Quốc khánh chẳng hạn). Với những thông tin ít quan trọng hơn, như lịch tiêm chủng năm, đừng cố gắng nhớ mà hãy sử dụng sổ tay.
Bị phân tâm, bạn bỗng nhiên vào nhầm phòng, đi lạc đường hoặc không thể nhớ ra mình đang tìm kiếm đồ vật gì. Trong các tình huống này, hình dung những gì bạn muốn hoặc cần trước khi bước vào phòng. Nếu tìm đồ vật, hãy kết nối với điều gì đó quen thuộc, ví như muốn lấy quần áo mùa hè ra khỏi kho, hãy nghĩ bạn sẽ chuẩn bị đi bơi hoặc đi biển, hệ thống này làm cho mọi thứ sinh động hơn và đáng nhớ hơn. Khi bạn không thể hình dung ra mình muốn gì và tại sao lại ở trong một căn phòng, nhớ lại việc mình làm, về dòng suy nghĩ của mình và câu chuyện với người vừa tiếp xúc.
Do để không đúng chỗ, bạn không thể nhớ đã bỏ chìa khóa, ví, điện thoại ở đâu. Đây là vấn đề của sự chú ý. Bạn ném chìa khóa xuống khi bước qua cánh cửa trong lúc bận tâm với điều gì khác. Vài giờ sau, bạn không thể nhớ đã để chìa khóa chỗ nào. Tất nhiên, so với chiếc chìa khóa, bạn đều nhớ mình đã rút ra số tiền lớn để trả hóa đơn điện. Là bởi nếu không phải sự kiện quan trọng, bộ nhớ của chúng ta sẽ loại bỏ nó một cách nhanh chóng. Do đó, khi để chìa khóa đâu đó, hãy nói với chính mình, âm thầm hoặc thành tiếng: “Chìa khóa để trong túi áo” sẽ dễ tìm hơn. Quan trọng hơn vẫn là tính nhất quán, trí nhớ tốt thường đi kèm với các thói quen tốt.
“Quên lời”, ví dụ một từ nào đó, tên một bộ phim, một cuốn sách rất quen thuộc nhưng bỗng dưng bạn không thể nào thốt ra được. Vấn đề này rất phổ biến, nhất là ở người có tuổi. Việc nhớ lại thông tin cơ bản cũng khó khăn hơn khi bạn cảm thấy căng thẳng hoặc có quá nhiều suy nghĩ trong đầu cùng lúc. Khi ấy, lấy một hơi thật sâu để đầu óc được thư thái vì kẻ thù của bộ nhớ chính là làm nhiều việc cùng lúc. Sau đó, hãy nói to những gì bạn nghĩ, đại loại như tên cuốn sách hay bộ phim “bắt đầu bằng chữ S, nó có gì đó giống như nước…”, nhớ tên diễn viên hoặc nhân vật trong truyện cũng có thể giúp khởi động bộ nhớ.
Quên tên người, tình trạng mà rất nhiều người gặp phải. 90-95% những người tham gia các khóa học về trí nhớ dự phòng ở Mỹ đều thú nhận điều này. Vấn đề có thể nằm trong bộ lưu trữ (bạn không chú ý đến khi gặp gỡ), sự khôi phục (không thể gọi được tên) hoặc kết hợp cả hai. Thông thường, con người đều nhớ theo kiểu trực quan, tức là khó quên được khuôn mặt nhưng thường quên tên. Vì vậy, khi bạn gặp một người mới, hãy nhìn vào và lặp lại tên của người đó với chính mình ít nhất 3 lần trong cuộc trò chuyện. Một cách để dễ nhớ tên hơn chính là gắn cái tên với một đặc điểm dễ nhận dạng nào đó.
Với những thói quen cơ học, chẳng hạn bạn nấu bếp, là quần áo nhưng không nhớ đã tắt bếp hay rút điện bàn là hay chưa. Các động tác này thường thuộc về bộ nhớ dài hạn, tương tự như đi xe đạp, đánh máy hay mở chìa khóa. Chúng mang tính cơ học nhiều hơn là ý thức nên đôi khi bạn không nhận thức được hành động trong khi đang thực hiện nó. Để tránh việc phải mất thời gian kiểm tra lại cho chắc, khi làm xong việc gì, hãy nói to lên, ví dụ “Đã rút điện lò vi sóng” hoặc dán giấy nhớ lên mặt trước đồ dùng để nhắc nhở mình.
Yến Chi
(Theo Real Simple)