Máy bay quân sự Ukraine bị bắn hạ ở Luhansk

ANTĐ - Một chiếc máy bay vận tải quân sự Ukraine đã bị bắn rơi ở Luhansk trong cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và quân nổi dậy hôm 14/7, các quan chức Ukraine cho biết.

Thông tin cho hay, chiếc máy bay vận tải hạng nhẹ An-26 bị bắn trúng ở độ cao 6.500m. Ukraine nghi ngờ nó bị hạ bởi một tên lửa hạng nặng từ phía Nga. Tuy nhiên, Nga chưa có bất cứ động thái gì về vụ việc này.

Trong khi đó, NATO báo cáo rằng binh lính Nga đang tập trung trở lại gần biên giới Ukraine. Một quan chức NATO khẳng định với BBC rằng, Nga tăng cường quân, có khoảng 10.000 – 12.000 binh lính đang đóng quân ở đó.

Chiếc máy bay vận tải An-26 bị bắn rơi

Theo một tuyên bố trên trang web của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, chiếc máy bay An-26 trên đã tham gia vào "hoạt động chống khủng bố" trong khu vực bắt đầu từ tháng 4/2014. Hiện tại con số thương vong của vụ việc chưa được xác định, các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ đang được tiến hành.

Trước đó, lực lượng nổi dậy cho biết họ sẽ nhắm mục tiêu là máy bay trong khu vực Luhansk. Điều này do lực lượng không quân Ukraine nói rằng, sẽ thực hiện 5 cuộc không kích mạnh mẽ vào các mục tiêu trong khu vực, với nỗ lực nhằm chấm dứt sự phong tỏa của quân nổi dậy ở một sân bay chiến lược của Luhansk.

Nhiều khu vực gần sân bay thành phố đã bị ảnh hưởng, sân bay bị “cấm” và quân chính phủ tiếp tục đánh chiếm một số làng lân cận. Ít nhất 15 dân thường đã thiệt mạng trong hàng loạt các cuộc không kích của quân chính phủ vào ngày chủ nhật (13/7) ở Luhansk và Donetsk.

Mặt khác, quân nổi dậy cũng tuyên bố họ đã phá hủy một đoàn xe vũ trang Ukraine gần sân bay. Các cuộc giao tranh trong khu vực đã tăng cường kể từ sau khi một cuộc tấn công bằng tên lửa nổ ra gần biên giới Nga hôm 11/7, khiến ít nhất 23 binh sĩ chính phủ thiệt mạng.

Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko đã tuyên bố sẽ trả đũa cứng rắn đối với cuộc tấn công đó. Căng thẳng tiếp tục leo thang vào cuối tuần qua khi Nga cáo buộc lực lượng Ukraine bắn pháo qua biên giới, giết chết một người và làm bị thương hai người khác.

Trước tình hình đó, Đức và Nga đã kêu gọi các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp giữa Kiev và quân nổi dậy, đồng thời Anh và Mỹ cũng tái khẳng định sự cần thiết của Moscow trong việc thực hiện các bước tiếp theo để giảm căng thẳng ở miền đông Ukraine hoặc phải đối mặt với lệnh trừng phạt mạnh tay hơn nữa.