Mặt sân Lạch Tray và bộ mặt V-League

ANTD.VN - Ngoại trừ cú sút phạt thành bàn đẹp mắt của Xuân Trường, những gì đọng lại của trận Hải Phòng - HAGL là mặt sân Lạch Tray quá xấu làm giảm chất lượng chuyên môn và khiến nhiều cầu thủ dính chấn thương.

Trận Hải Phòng tiếp HAGL được đánh giá là tâm điểm của vòng 2 V-League 2018. Nếu như chủ nhà với lối chơi thực dụng phụ thuộc vào 2 ngoại binh cao to trên hàng tấn công thì HAGL lại gần như đối nghịch với đa số cầu thủ nội sử dụng lối chơi kỹ thuật, đẹp mắt. Hơn 2 vạn ghế sân Lạch Tray cũng gần như được lấp đầy trong một buổi chiều thời tiết mát mẻ.

Thế nhưng thật đáng tiếc khi mà các yếu tố cốt lõi tạo ra một trận đấu hấp dẫn gần như hội tụ đủ thì mặt sân xấu đã phá nát "bữa tiệc" bóng đá trên sân Lạch Tray.

Mặt sân quá xấu làm giảm chất lượng chuyên môn trận Hải Phòng - HAGL

Mặt sân Lạch Tray và bộ mặt V-League ảnh 2

...và khiến nhiều cầu thủ chấn thương, không thể trở lại thi đấu sau đó

Người xem không được thưởng thức những pha đi bóng kỹ thuật quen thuộc thường thấy của các cầu thủ HAGL, thay vào đó là những pha mất bóng hay dính chấn thương rất vô duyên từ mặt sân lồi lõm, điển hình là trường hợp Tuấn Anh tái phát chấn thương phải rời sân chỉ sau 18 phút thi đấu và đối mặt nguy cơ nghỉ dài hạn.

Thống kê: Trong 90 phút trên sân "mặt ruộng" Lạch Tray trận Hải Phòng - HAGL có 7 cầu thủ bị chấn thương, 4 trong số đó (chia đều cho hai đội) phải rời sân vì không thể tiếp tục thi đấu.

Thực tế tình trạng mặt sân xấu không chỉ riêng Lạch Tray mà rất phổ biến ở V-League, đến nỗi nó trở thành ám ảnh không chỉ với các đội trong nước mà còn với những CLB quốc tế mỗi khi phải sang Việt Nam làm khách. Cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam, Toshiya Miura từng tiết lộ rằng ông cảm thấy xấu hổ khi dự hội thảo bóng đá châu Á phải nghe quá nhiều phàn nàn từ đồng nghiệp về tình trạng "sân mặt ruộng" ở Việt Nam.

Sân bóng được xem như bộ mặt của một đội bóng, rộng hơn là của giải đấu trước bạn bè quốc tế, bởi nó là thứ đập vào mắt đội khách và khán giả đầu tiên, cũng là hình ảnh xuất hiện nhiều nhất trên truyền hình mỗi khi tường thuật trực tiếp. Thế nhưng, dù chuyện mặt sân V-League xấu được phản ánh và cả phàn nàn từ nhiều phía suốt trong bao năm qua nhưng đến nay vẫn không được cải thiện nhiều.

Điều đáng nói, vấn đề mặt sân là tiêu chí bắt buộc để đánh giá một CLB chuyên nghiệp song dù không đạt chuẩn, nhiều CLB vẫn được ban tổ chức giải xuê xoa cho qua trong các cuộc khảo sát trước thềm mùa giải mới. Sân đấu không đạt chuẩn chỉ bị nhắc nhở và tiếp tục được cho phép tổ chức các trận đấu khiến nhiều đội bóng sinh ra ỉ lại.

Đa số các sân đều không đạt tiêu chí chuyên nghiệp nhưng vẫn được ban tổ chức xuê xoa cho qua khi khảo sát trước thềm mùa giải mới

Khi được chất vấn vấn đề này, phía ban tổ chức viện lý do rằng nếu áp tiêu chí chuẩn thì e khắt khe và đa số CLB không đạt, khó có sân thay thế để tổ chức giải. Phía đội bóng thì viện dẫn lý do sân do địa phương quản lý nên không có quyền tự sửa chữa, nâng cấp hay lấy lý do thời tiết khắc nghiệt, chi phí thay mới, chăm sóc mặt cỏ cao... Và khi "quả bóng" trách nhiệm cứ bị đá qua đá lại như thế, mặt sân ruộng vẫn xuất hiện phổ biến ở giải mang danh chuyên nghiệp như V-League.

HLV Nguyễn Đức Thắng của CLB Sài Gòn mùa 2017 từng bày tỏ sự khó hiểu khi các đội bóng sẵn sàng chi nhiều tỷ đồng để mua một ngoại binh nhưng lại không dám bỏ số tiền đó để cải tạo mặt sân. "Tất cả chơi bóng đều phải hướng đến khán giả. Các cầu thủ sẽ thăng hoa, chất lượng trận đấu sẽ được cải thiện. Tôi nghĩ các CLB nên nghiêm túc nghĩ tới việc đầu tư vào mặt sân", HLV Đức Thắng chia sẻ.

Còn tại hội nghị với lãnh đạo ngành thể thao có sự hiện diện của lãnh đạo LĐBĐ Việt Nam, các sở thể thao địa phương, đội bóng... diễn ra cách đây chưa lâu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng ví V-League như bộ mặt nền bóng đá và sự thật là V-League chưa đẹp. "Để khắc phục những hạn chế của nền bóng đá, có việc cần thời gian, lộ trình nhưng cũng có việc làm ngay được. Trên bộ mặt chỗ nào chưa sạch, chưa đẹp thì lau nó đi", Phó Thủ tướng chỉ đạo.