Mạng người rẻ rúng tại các đảo ngọc ở Myanmar

ANTD.VN - Lở đất xảy ra như cơm bữa tại những đồi ngọc ở Myanmar và những người như Ye Min Naing có thể bỏ mạng bất kỳ lúc nào mà không ai hay biết. Hầu hết những thợ mỏ tự do như Ye Min Naing đều là người nghiện ma túy và không có người thân quen. Họ đi tìm những viên ngọc đẹp nhất trên thế giới. 

Mạng người rẻ rúng tại các đảo ngọc ở Myanmar ảnh 1Những thợ mỏ tự do đi tìm ngọc tại một ngọn đồi ở Hpakant, Myanmar

Căng thẳng vì “kho báu xanh”

Ở dưới chân núi Himalaya, đoạn thuộc bang Rachin của Myanmar, nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, mạng người rẻ rúng trái ngược hẳn với những viên ngọc mà họ tìm kiếm. Đó là những khối silicat natri nhôm - một trong những thứ được nhiều người thèm muốn trên thế giới, đặc biệt là người Trung Quốc.  

Người tận dụng những thợ mỏ bất chấp nguy hiểm đi tìm ngọc này là mạng lưới các công ty Myanmar có liên kết với quân đội, những công ty của Trung Quốc, chỉ huy các nhóm nổi dậy và có khi là các băng nhóm ma túy đang bị Mỹ truy nã. Thiên đường của ngọc là Trung Quốc và ngọc cũng là yếu tố làm tăng thêm căng thẳng giữa quân đội Myanmar và quân du kích dân tộc Kachin đang muốn tự trị. Tại những ngọn đồi có những mỏ khai thác, vẫn xảy ra tranh chấp giữa quân đội Myanmar và quân phiến loạn Kachin chỉ vì ngọc.

Ngành khai thác buôn bán ngọc của Myanmar có giá trị 31 tỉ USD năm 2014, bằng gần một nửa GDP của nước này. Tuy nhiên, người dân tộc Kachin đang tuyên bố tự trị cũng nắm giữ một vài mỏ ngọc ở đây. Hiện nay, hầu hết những mỏ ngọc tranh chấp đều thuộc về các công ty có liên quan tới quân đội Myanmar.

Hầu hết ngọc được buôn lậu qua biên giới sang Trung Quốc nhưng chỉ một phần nhỏ chịu thuế. Tổ chức giám sát Global Witness gọi ngành kinh tế  này ở Myanmar là “nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn nhất trong lịch sử hiện đại”.

Đánh đổi tính mạng để giàu sang

Trong một đêm mưa cách đây 6 tháng, Ye Min Naing đã nghe thấy tiếng lở đất kinh hoàng, rồi một người bạn của anh đã bị bùn đất nuốt chửng trong trận lở đất ở thị trấn Hpakant, phía bắc Myanmar. Ye Min Naing cũng bị vùi tới cổ nhưng may mắn thoát chết. Nhiều cái chết của thợ mỏ không hề được nhắc đến.

Các thợ mỏ và chủ sở hữu nhỏ ở Hpakant cáo buộc rằng một số mỏ lớn nhất vẫn hoạt động dù không có chứng nhận hợp lệ

Hpakant - một thị trấn ở bang Kachin, ngày càng bất ổn, những vụ giết người không thể giải thích vẫn xảy ra. Tất cả đều do những bãi khai thác ngọc, trong đó có nhiều viên đắt ngang kim cương. Năm 2014, một chiếc vòng cổ 27 hạt đã được bán đấu giá với mức 27 triệu USD, gấp đôi so với giá ước tính ban đầu. Vì giá trị của ngọc nên chưa tới một thập kỷ, số người đi tìm ngọc ở Hpakant đã tăng gấp đôi. 

Có khoảng 300.000 người đi tìm những viên ngọc ở những mỏ mà người ta đã khai thác. Họ là những người nghiện thuốc luôn bị những trận lở đất và bệnh tật đe dọa tính mạng. Các vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra, trong đó có vụ lở đất năm 2015 làm chết 200 thợ mỏ. Giới chức địa phương cũng ghi nhận hàng trăm người chết trong các vụ tai nạn liên quan đến khai thác ngọc trong vòng năm rưỡi qua. Tuy nhiên, người dân địa phương cho biết con số thực sự lớn hơn nhiều. 

Tệ nạn sử dụng ma túy và bệnh tật cũng tăng vọt. Người Hpakant ước tính, thuốc phiện hành hạ từ 75 đến 90% số người đi tìm ngọc. Họ cũng là những người sử dụng chung kim tiêm. Thein Than Myo là một thợ làm tại mỏ Hmaw Sisar được 12 năm và sau khi biết mình bị nhiễm HIV, anh vẫn dùng kim tiêm nhặt dưới đất. Một tổ chức phi chính phủ nói rằng có tới một nửa thợ mỏ Hpakant đều đã nhiễm HIV. Thein Than Myo cho biết, anh vẫn sẽ theo đuổi giấc mơ làm giàu cho dù bệnh tật đang đeo bám và tận mắt  chứng kiến những người như anh chết vì đi tìm ngọc.