“Mama tổng quản” của cử tạ Việt Nam

ANTĐ - Khác với biệt danh “Cúc voi” mà các đồng nghiệp vẫn thường gọi, người phụ nữ ấy mang vẻ đẹp hiền hòa cùng giọng nói và thái độ điềm đạm. Hơn 20 năm lăn lộn với nghề, chị đã dạy dỗ, chăm sóc và uốn nắn để cho ra đời biết bao nhiêu lứa VĐV, HLV cho bộ môn cử tạ.

Dù đã nghỉ hưu nhưng chị Cúc vẫn tham gia hỗ trợ huấn luyện các VĐV trẻ

Xuất phát từ điền kinh, về đích ở cử tạ

Bén duyên với thể thao từ năm 11 tuổi, cô bé Hoàng Thị Kim Cúc khi đó được tuyển chọn vào trường Quần Ngựa để theo học nhảy cao. Khi ấy, dù cao 1m68 nhưng chị vẫn bị đánh giá là không hợp với bộ môn này nên được điều chuyển sang học tạ-lao-đĩa (đẩy tạ, phóng lao, ném đĩa). 

Dưới sự chỉ dạy tận tình của thầy Hoàng Vĩnh Giang cùng tố chất thể thao sẵn có, chị nhanh chóng trở thành một vận động viên (VĐV) điền kinh tiếng tăm thời ấy. Nhớ lại những bước đầu sự nghiệp, chị tự hào khoe: Năm 1974, tôi giành Huy chương vàng ở giải Vô địch miền Bắc. Kể từ đó, mỗi năm 3 giải, tôi đều đặn đem về 9 huy chương ở 3 bộ môn tạ-lao- đĩa”. Năm 1976, Kim Cúc còn lập kỷ lục đẩy tạ với thành tích 10m10, vượt xa thành tích trước đó (10m02) của người đồng nghiệp Hứa Luyện Sinh. Được biết, phải mãi đến 10 năm sau mới có VĐV vượt qua kỷ lục này của chị.

Năm 23 tuổi, chị Cúc lên xe hoa với một cựu cầu thủ của Thể Công. Tuy nhiên, phải đến 4 năm sau, gia đình nhỏ của Kim Cúc mới đón cháu gái đầu lòng. Chị tiết lộ: “Khi ấy, tôi đã phải xác định trước với chồng về việc “kế hoạch” để có thể tiếp tục tập luyện, chuẩn bị cho đại hội TDTT năm 1985. May mắn là cả gia đình anh ấy cũng theo nghiệp thể thao nên mọi người đều thông cảm và tạo điều kiện để tôi hoàn thành nhiệm vụ”.

Năm 1992, cử tạ được đưa vào Việt Nam. Không có HLV cũng chẳng có VĐV, chị Cúc được thầy Hoàng Vĩnh Giang động viên, thuyết phục chuyển sang “xây dựng” bộ môn còn mới mẻ này. Sự nghiệp của Hoàng Thị Kim Cúc chuyển sang một ngã rẽ quan trọng kể từ thời điểm đó.

Nhọc nhằn xây dựng nền móng

Cùng với hai chuyên gia Trung Quốc, chị đi khắp các tỉnh, thành ở miền Bắc để tìm kiếm VĐV. Lứa đầu tiên của cử tạ Việt Nam gồm 3 nam và 1 nữ. Sau gần một năm làm quen, tháng 12-1993, 5 thầy trò chị Cúc lên đường sang Trung Quốc tập huấn.

Kể từ đó, vị nữ HLV này bắt đầu quãng thời gian xa nhà kéo dài suốt 5 năm. Cứ khoảng 6 tháng một lần, chị lại trở về Việt Nam báo cáo tình hình tập luyện với lãnh đạo hoặc đi tuyển thêm quân số. Nhớ lại những ngày đầu ở Trung Quốc, chị Cúc chia sẻ: May mắn cho tôi là vị chuyên gia Trung Quốc đầu tiên được mời sang có mẹ là người Việt Nam. Vì thế, việc học hỏi và làm quen của tôi có phần dễ dàng hơn. Tuy nhiên, với chuyến tập huấn sau đó, cả thầy lẫn trò chỉ biết dăm ba câu tiếng Trung xã giao nên gặp vô vàn khó khăn. Vì bất đồng ngôn ngữ nên quá trình tập luyện của chúng tôi không thể tiến triển nhanh chóng. Hàng ngày, ngoài việc tham gia huấn luyện, tôi còn phải tự mày mò học thêm tiếng Trung Quốc để tiện trao đổi”. Huấn luyện đã vất vả, việc tuyển chọn cũng chẳng kém phần gian nan. Có năm, chị và các đồng nghiệp đi tuyển được gần 100 VĐV trẻ nhưng sau một thời gian tập luyện thì “rơi rụng” chỉ còn một phần tư. Số người trở thành HLV trong lứa ấy cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Với chị Cúc, làm HLV không chỉ đơn thuần là chỉ đạo, kèm cặp các học trò khi tập luyện và thi đấu. Mỗi lần “mang chuông đi đấm xứ người”, chị đều ăn chung, ngủ chung với các VĐV. Chị cho biết: “Mình phải ăn chung với các em để biết các em ăn có ngon không, có đủ chất không. Khi ngủ, mình phải xem các em ngủ như thế nào, có được sâu giấc hay không. Chỉ có sát sao liên tục như vậy, mình mới có thể điều chỉnh được điều kiện sinh hoạt của VĐV, nắm được tính cách, tâm lý từng người để tạo điều kiện tốt nhất”.

SEA Games năm 1997 cũng là một giải đấu khó quên trong sự nghiệp của Kim Cúc. Tại Jakarta (Indonesia) năm ấy, dù chỉ được bố trí làm “quân xanh” nhưng vị HLV của cử tạ Việt Nam lại đạt được thành công ngoài dự kiến khi giành được một huy chương đồng ở hạng cân 70kg. Năm 2011, chị Cúc chia tay vị trí huấn luyện ở ĐTQG để về nắm “tuyển” Hà Nội. 

Chia tay sau 20 năm lăn lộn với nghề, nhìn lại chặng đường đã qua, HLV Hoàng Thị Kim Cúc cảm thấy rất mãn nguyện khi đã góp công xây dựng cho bộ môn cử tạ của Việt Nam. Có biết bao nhiêu học trò của chị trước đây nay đã trở thành các HLV, tiếp tục tìm kiếm và phát triển các tài năng để đem vinh quang về cho đất nước. 

“Mama tổng quản” của cử tạ Việt Nam ảnh 2

Việc thuyết phục các phụ huynh để con em theo nghiệp cử tạ cũng là một vấn đề nan giải. Đa số vẫn có ý nghĩ sai lầm rằng tập luyện với tạ thường xuyên sẽ làm cho cơ thể “lùn” đi. Chị Cúc thậm chí đã lấy bản thân mình và các HLV khác trong nghề ra làm minh chứng sống. Tiếp đó, chị giải thích rõ ràng về chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện, học tập và thậm chí cả hướng phát triển sau khi không còn thi đấu để các bậc phụ huynh có thể yên tâm giao phó con em.