Mầm mống của đụng độ

ANTĐ - Trong vài thập kỷ tới, các vùng đất bao quanh Cực Bắc có thể sẽ xuất hiện cây xanh do hiện tượng ấm lên toàn cầu. Diện mạo của Bắc Cực sẽ thay đổi và đi liền với nó là hàng loạt vấn đề nảy sinh.

Tàu ngầm của Mỹ nổi lên trên mặt băng ở Bắc Cực

Kết quả nghiên cứu từ mô hình máy tính của các nhà khoa học, được đăng tải trên Tạp chí Biến đổi khí hậu Tự nhiên số ra ngày 31-3, cho biết khi nền nhiệt độ ấm lên, các loài cỏ, cây tại Bắc Cực sẽ phát triển, xuyên thủng các lớp băng, bao gồm cả những lớp băng vĩnh cửu. Đến năm 2050, diện tích thảm thực vật ở Bắc Cực có thể sẽ tăng thêm 52% khi cây trưởng thành, và trải rộng ra hàng trăm kilômét vuông. 

Bắc Cực đang chịu tác động mạnh của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Trong 25 năm qua, nhiệt độ ở đây tăng nhanh gấp hai lần so với những khu vực còn lại trên thế giới. Hệ quả là phạm vi băng ở biển Bắc Cực đang giảm khoảng 11% mỗi thập kỷ.  Việc theo dõi bằng vệ tinh từ năm 1972 cho thấy diện tích băng trên biển trong mùa hè năm ngoái đã giảm 50% so với diện tích băng cách đây 4 thập kỷ.

Băng tan sẽ dẫn tới những thay đổi có tính bước ngoặt với Bắc Cực. Trước hết, nó giúp mở ra tuyến vận tải đường biển qua Bắc Cực, rút ngắn khoảng cách đi lại giữa thành phố New York (Mỹ) và Thượng Hải (Trung Quốc) xuống hơn 4.000 km. Theo thống kê, năm 2005, chỉ có một số lượng nhỏ các tàu vận tải, chở được 3 triệu tấn hàng đi qua Bắc Cực. Nhưng con số này sẽ tăng lên khoảng 14 triệu tấn hàng vào năm 2015, thậm chí các chuyên gia hàng hải còn dự báo tới 77 triệu tấn.

Khí hậu ấm lên cũng làm lộ ra sự giàu có của Bắc Cực. Các nghiên cứu từ trước tới nay đều khẳng định riêng khu vực phía Bắc của vành đai Bắc Cực đã chứa lượng dầu tương đương 412 tỷ thùng, gần bằng 1/4 trữ lượng dầu chưa được khai thác của thế giới. Tổng lượng dầu có thể khai thác bằng các kỹ thuật hiện nay có thể lên tới 90 tỷ thùng, lớn hơn toàn bộ lượng dầu dự trữ của Nigeria, Kazakhstan và Mexico cộng lại. 

Chính tiềm năng vô cùng to lớn của Bắc Cực đang thu hút sự quan tâm của các nước đến khu vực này. Hồi năm 2007, Nga từng cắm cờ dưới đáy biển Bắc Cực nhằm thể hiện chủ quyền của nước này ở đây, đồng thời tăng cường các cuộc tuần tra bằng máy bay ném bom tầm xa và điều nhiều tàu ngầm tới khu vực này. Na Uy, Đan Mạch và Canada cũng đang khôi phục hoạt động quân sự. Thậm chí các nước không nằm ở vùng cực như Pháp cũng đã bày tỏ mối quan tâm muốn đưa quân tới Bắc Cực, Trung Quốc thì cử tàu phá băng đến nghiên cứu Bắc Cực.

Cuộc đua giành quyền kiểm soát nguồn tài nguyên đang làm Bắc Cực nóng lên. Năm ngoái, tại Hội thảo quốc tế mang tên “Hội nghị thượng đỉnh Bắc Cực”, ông A. Vasilyev, đặc phái viên Bộ Ngoại giao Nga, cho rằng sẽ không xảy ra bất kỳ cuộc chiến tranh giành tài nguyên hay đối đầu quân sự nào tại Bắc Cực, vì ở đây không có gì để phân chia. Theo ông, khoảng 95-97% tài nguyên được phát hiện tại Bắc Cực đều nằm trong khu đặc quyền kinh tế của các quốc gia thuộc khu vực này. 

Tuy nhiên, đa số các nước lại không nghĩ như vậy. Có một thực tế là khi ngày càng nhiều các công nhân, kỹ sư và tàu bè xuất hiện ở vùng Bắc Cực để khai thác dầu và khí đốt, không sớm thì muộn, người ta sẽ phải dùng tới sức mạnh quân sự để bảo vệ lợi ích. Đó chính là mầm mống của những đụng độ tiềm ẩn ở Bắc Cực.