Campuchia:

Mafia rừng tàn bạo khiến hàng chục người chết

ANTĐ - Mới đây, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã giao cho Tư lệnh Cảnh sát quân sự Campuchia, tướng Sao Sokha chịu trách nhiệm việc truy quét nạn khai thác và buôn gỗ lậu. 

Mafia rừng tàn bạo khiến hàng chục người chết ảnh 1

Phá cả rừng bảo tồn

“Tôi đã giao hai trực thăng cho ông Sao Sokha. Tôi cho phép dùng trực thăng bắn rocket khi phát hiện lâm tặc”, ông Hun Sen cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình. Thủ tướng Campuchia cho hay, những kẻ chặt phá rừng trái phép hoạt động được là nhờ có sự trợ giúp của những quan chức, cán bộ kiểm lâm, cảnh sát tham nhũng.

“Có những cây rất lớn, làm sao việc chặt phá rừng có thể qua mắt được cảnh sát, quân cảnh, kiểm lâm và Bộ Môi trường? Hay những người này cũng làm điều tương tự?”, ông Hun Sen phát biểu tại lễ khánh thành một tòa nhà mới của Bộ môi trường. Theo số liệu tổng hợp của Công cụ Theo dõi rừng toàn cầu, khoảng 91.636ha độ che phủ rừng tự nhiên của Campuchia đã bị phá hủy do hoạt động chặt phá rừng vào năm 2014. Bắn tên lửa để ngăn nạn phá rừng là giải pháp chưa từng có tiền lệ trên thế giới.

Nạn phá rừng và phát triển công nghiệp khiến Campuchia mất 2,85 triệu ha rừng trong 2 thập kỷ vừa qua. Thống kê của Liên hiệp quốc cho thấy, độ che phủ rừng của Campuchia ở mức 73% vào năm 1990 đã giảm xuống còn 57% vào năm 2010. Nguyên nhân do nạn khai thác gỗ lậu trong những thập niên qua. Một nhà hoạt động vì môi trường tại Xứ Chùa Tháp, ông Ouch Leng cho rằng, Campuchia đã mất hầu hết rừng.

Chính phủ Phnom Penh bị chỉ trích vì cấp phép cho những công ty tư nhân khai phá hàng trăm ngàn ha đất rừng. Các nhóm bảo vệ thiên nhiên và bảo vệ nhân quyền cáo buộc, hoạt động phá rừng xảy ra với sự bảo kê của lực lượng chức năng. Theo báo cáo của Cơ quan Điều tra môi trường (EIA), năm 2015, nhu cầu có đồ nội thất bằng gỗ hồng mộc (hongmu, theo tiếng Hoa) của người Trung Quốc đã tàn phá các cánh rừng ở vùng đồng bằng sông Mekong - gồm Campuchia, Lào và Thái Lan...

“Các cánh rừng thành chiến trường”

Các nhóm lâm tặc đã cưa trụi những cánh rừng này để đáp ứng thị trường béo bở ở Trung Quốc, nơi từ năm 2000 đã nhập khẩu số gỗ quý có trị giá ước tính 2,4 tỷ USD. Gỗ hồng mộc có giá hàng nghìn USD/m3 và người phá rừng có thể có một món tiền cao hơn nhiều lần so với mức thu nhập trung bình ở những khu làng nghèo của họ. Tại Campuchia, gỗ hồng mộc được bảo vệ bằng Luật lâm nghiệp 2002. Nhưng nạn tham nhũng cùng việc thi hành luật kém và nguồn cầu lớn ở Trung Quốc đã biến “các cánh rừng thành chiến trường”.

Ở vùng rừng giáp với Thái Lan về phía đông, khi màn đêm xuống, dân bản địa thường vượt biên sang đánh nhau, giành gỗ với lực lượng an ninh Thái Lan trong các công viên quốc gia. Họ đem theo cưa, súng và thậm chí cả súng phóng lựu đạn, rocket. Tháng 3-2015, Campuchia cáo buộc lính Thái giết 15 người dân trong 2 vụ xung đột, sau khi họ lẻn qua biên giới để cưa trộm gỗ quý.

Hồi năm 2013, có tin lính Thái bắn chết ít nhất 65 người phá rừng Campuchia. Tuy nhiên, chính quyền Bankok đã phủ nhận các vụ giết người này. Trong báo cáo Hành trình đến sự diệt vong, EIA nêu: từ năm 2009 đã có hàng chục kiểm lâm Thái Lan bị lâm tặc giết.

Báo cáo viết: “Khi lâm tặc đối đầu với kiểm lâm, bạo lực thường xảy ra. Bọn buôn gỗ lậu dùng tiền để dụ dỗ dân nghèo và họ sẵn sàng lao vào công việc nguy hiểm. Các loại ma túy được dùng để làm chất kích thích giúp lâm tặc vượt qua sự mỏi mệt và cũng là một cách trả công cho người phá rừng ở các làng biên giới vốn nghiện ma túy”.

Để làm rõ việc buôn lậu gỗ quý xuyên biên giới, một nhóm nhân viên EIA đã giả làm người mua hàng để gặp tay buôn Promphan Suttisaragorn người Thái Lan. Ông trùm này khoe là đại diện của một công ty cung cấp gỗ hồng mộc do các quan chức cấp cao Campuchia làm chủ.

Ông ta nói, “hồng mộc ở Thái Lan thường được tuồn lậu vào Campuchia rồi tái xuất vào Thái Lan để giấu nguồn gốc xuất xứ”. Giá gỗ hồng mộc tăng vọt trong vài năm qua, các tay buôn thường trữ nhiều chờ đến khi nó tăng giá. Suttisaragorn đã ra giá với nhóm điều tra mật của EIA: 50 triệu USD cho 10.000m3 gỗ này.